Tranh chấp vụ mua bán nợ xấu khách sạn Hoàng Cung: Tòa tuyên án, buộc 'con nợ' phải trả hơn 510 tỷ đồng
Sau 5 ngày nghị án, chiều 13/4/2021 tại TP Huế, Tòa án nhân dân TP Huế đã tuyên án vụ án mua nợ xấu khách sạn Hoàng Cung, yêu cầu bị đơn phải trả đủ toàn bộ số tiền nợ gốc và lãi tính đến thời điểm tuyên án.
Phán quyết của TAND TP Huế là công minh và khách quan
Sau hai lần hoãn xử, sáng ngày 8/4/2021, TAND TP Huế đã đưa vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng về việc mua bán nợ xấu giữa nguyên đơn Nguyễn Thị Định với bị đơn là Công ty cổ phần Khách sạn Hoàng Cung (Công ty Hoàng Cung) ra xét xử.
Sau 5 ngày nghị án, chiều ngày 13/4, Thẩm phán - Chủ tọa Hoàng Quang Bình, công bố bản án. Theo nội dung bản án thể hiện, từ năm 2003 đến 2011 Công ty Hoàng Cung đã vay tiền của 3 ngân hàng, gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (VCB Huế), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Vietinbank Huế) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Thừa Thiên Huế (Agribank Huế) để xây khách sạn, sau thời gian đã mắc nợ và không có khả năng trả được nên phải thế chấp khối tài sản khách sạn là Hoàng Cung và 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại số 8, đường Lương Thế Vinh, TP Huế.
Sau nhiều năm Công ty Hoàng Cung không thanh toán được tiền gốc và lãi theo hợp đồng tín dụng đã cam kết, buộc các ngân hàng phải xin bán đấu giá khoản nợ xấu này theo quy định của pháp luật để cơ cấu lại nợ.
Bà Nguyễn Thị Định sau khi tham gia đấu giá và thắng khối "nợ xấu" khách sạn Hoàng Cung từ các ngân hàng ở phiên đấu giá (gồm 4 người tham gia đấu giá, hình thức đấu giá công khai) đã trả đủ cho các ngân hàng với số tiền gần 205 tỷ đồng.
Nhận định của TAND TP Huế nêu rõ: Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên Tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:
Về tố tụng: Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty cổ phần đấu giá Nam Việt vắng mặt, có đơn xin xét xử vắng mặt. Bà Lê Thị Minh Lý vắng mặt, nhưng đã được triệu tập hợp lệ nhiều lần, nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt Công ty cổ phần đấu giá Nam Việt và bà Lê Thị Minh Lý theo quy định tại Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đối với yêu cầu đề nghị tạm đình chỉ vụ án của bị đơn: Hội đồng xét xử thấy rằng, ngày 24/02/2021 Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung gửi đơn trình báo đến Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, để làm rõ việc mua bán khoản nợ.
Ngày 2/3/2021 TANDTP Huế đã nhận được văn bản trả lời của Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế là hiện nay chưa khởi tố vụ án theo đơn trình báo Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung, đồng thời không yêu cầu Tòa án chuyển hồ sơ để điều tra.
Nội dung trình báo của Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung đã được TAND TP Huế thụ lý yêu cầu phản tố, nên không thuộc trường hợp phải tạm đình chỉ vụ án theo điểm d khoản 1 Điều 214 Bộ luật Tố tụng dân sự và hướng dẫn tại Điều 22 Nghị quyết số 05/2012/NQQ-HĐTP ngày 3/12/2012 của hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Đối với các đề nghị của Kiểm sát viên, để đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự, tạm ngừng phiên tòa, đợi kết quả trả lời của Công an, Hội đồng xét xử thấy rằng, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã có công văn số 143/ PC03-Đ1, ngày 02/3/2021 và công văn số 374/PC03-Đ1, ngày 13/4/2021 trả lời cho TAND TP Huế, nên đề nghị của Kiểm sát viên không thuộc trường hợp phải tạm ngừng phiên tòa theo điểm c khoản 1 Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã trở lại việc hỏi và tranh luận, yêu cầu Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, nhưng Kiểm sát viên không phát biểu, nên Hội đồng xét xử tiến hành xét xử theo thủ tục chung.
Về nội dung, theo yêu cầu phản tố của bị đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy: Tại thời điểm các ngân hàng đưa ra bán nợ là ngày 12/02/2018, văn bản chính thức cho việc mua bán nợ là Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy định về hoạt động mua, bán nợ của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài và Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc Hội về việc thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng.
Tại khoản 1 Điều 17 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội quy định, trường hợp Nghị quyết không có quy định thì áp dụng quy định của pháp luật hiện hành, do Nghị quyết 42/2017/QH14 không có quy định tổ chức tín dụng bán nợ cho cá nhân, nên phải áp dụng khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-NHNN ngày 17/7/2015 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Ngân hàng có quyền bán tài khoản nợ cho bà Nguyễn Thị Định.
Đối với trình tự thủ tục bán đấu giá tài khoản, ngày 12/2/2018, khoản nợ này đã được đưa ra bán đấu giá tài sản, có 4 tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá, trong đó có bà Nguyễn Thị Định, đây là cuộc đấu giá công khai, biên bản có đầy đủ chữ ký của những người tham gia. Hiện nay người có tài sản đấu giá là ngân hàng, người đấu giá là bà Nguyễn Thị Định và tổ chức đấu giá tài sản là công ty cổ phần đấu giá Nam Việt không có ai yêu cầu hủy bỏ kết quả đấu giá.
Theo quy định tại Điều 72 Luật đấu giá tài sản năm 2016, Công ty Cổ phần Khách sạn Hoàng Cung không có quyền yêu cầu hủy kết quả đấu giá, đồng thời bà Nguyễn Thị Định trúng đấu giá không gây thiệt hại cho Công ty cổ phần khách sạn Hoàng Cung, chỉ là chuyển giao chủ nợ giữa các ngân hàng sang bà Định, không làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước vì theo quy định tại Điều 5 Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội thì giá bán cóthể cao hơn hoặc thấp hơn so với gốc nợ của khoản nợ.
Do các hợp đồng giữa ngân hàng và bị đơn là phù hợp nên bà Định có quyền yêu cầu Công ty Hoàng Cung phải trả nợ gốc và lãi. Tòa bác toàn bộ yêu cầu phản tố của Công ty Hoàng Cung.
Theo Hội đồng xét xử, Công ty Hoàng Cung nợ gốc là 139.390.646,087 đồng và 4.055.423,26 USD; nợ lãi là 179.223.095.983 đồng và 4.215.740 USD. Tổng nợ là 318.613.742.070 đồng và 8.271.162,77 USD - tương đương với 510.248.312.190 đồng (tỷ giá 1 USD = 23.169 đồng là tỷ giá bán ra trung bình cộng của 3 ngân hàng ngày 13/4/2021).
Tòa tuyên buộc Công ty Hoàng Cung phải trả cho bà Định tổng số tiền hơn 510 tỷ đồng. Nếu không trả được thì dùng tài sản thế chấp là khối tài sản Khách sạn Hoàng Cung, đường Hùng Vương, TP Huế và sổ đỏ ngôi nhà đường Lương Thế Vinh, TP Huế của ông Nguyễn Xuân Đức, Tổng giám đốc Công ty Hoàng Cung. Và nếu khối tài sản này khi định giá trả nợ không đủ thì phải tiếp tục trả nợ bằng tiền.
Công ty Hoàng Cung phải trả án phí là hơn 618 triệu đồng và 3 triệu đồng do phản tố bất thành. Công ty Hoàng Cung vẫn phải tiếp tục trả lãi khối nợ trên từ 14/4/2021 cho đến khi thi hành xong bản án.
Phía nguyên đơn được nhận lại án phí sơ thẩm đã nộp.
Pháp lý – đạo lý mong manh khi tham gia mua bán “cục máu đông” nợ xấu
Trước đó, tại phiên xét xử ngày 8/4, tại phần xét hỏi và tranh luận đã diễn ra đầy kịch tính giữa các đại diện của 3 ngân hàng bán nợ xấu là Viettinbank, Vietcombank, Agribank, đại diện nguyên đơn là bên mua nợ xấu của ngân hàng và bị đơn có nợ xấu không trả được cho ngân hàng là Công ty Hoàng Cung.
Phía bị đơn đã gây căng thẳng tại phiên tòa khi có những lời lẽ thách thức, xúc phạm phía ngân hàng và nguyên đơn. Sau khi nghe trình bày của đại diện ngân hàng về quá trình hình thành nợ xấu, các biện pháp ngân hàng đã tiến hành để giúp Công ty Hoàng Cung trả nợ, quá trình xử lý nợ xấu và căn cứ pháp luật để ngân hàng tổ chức bán nợ xấu cho nguyên đơn là cá nhân bà Nguyễn Thị Định, bị đơn Nguyễn Xuân Đức đã mất bình tĩnh, đứng dậy chỉ tay về phía đại diện các ngân hàng và nói: “HĐXX đừng nghe mấy thằng này nó nói”.
Với nguyên đơn, sau nhiều lần đưa ra đề nghị hai bên tự thương lượng để Tòa không phải xét xử nhưng phía nguyên đơn vẫn không chấp nhận, ông Nguyễn Xuân Đức đã thách thức trước Tòa: “Anh là khúc xương không gặm được đâu, gặm anh hơi khó đấy…”.
Trước đó ông Đức đã có những lời lẽ đe dọa khi nguyên đơn không chịu hòa giải. “Chúng tôi bắt buộc phải theo thôi. Nhưng hôm nay tôi cũng xin nói bây giờ bên nguyên đơn có cái lý của nguyên đơn, bị đơn cũng có cái lý. Vấn đề ngày hôm nay không hòa giải được, nói thật bọn tôi.. buông!.. Tôi xin nói hậu quả là phía bên kia. Bên kia sẽ có hậu quả rất nặng nề. Tôi không dọa đâu!...”, ông Nguyễn Xuân Đức nói.
Đáp lại, luật sư Nguyễn Tiến Quang, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị HĐXX ghi vào biên bản về những lời đe dọa của bị đơn đối với nguyên đơn ngay tại phiên tòa. Theo luật sư, như lời bị đơn đã trả lời tại phiên tòa là bị đơn vay tiền ngân hàng để xây dựng khách sạn Hoàng Cung. Như vậy, Khách sạn Hoàng Cung mà bị đơn có được hôm nay là từ tiền vay của ngân hàng. Bị đơn qua nhiều năm không trả được nợ, món vay biến thành nợ xấu, buộc ngân hàng phải bán đi để đảm bảo an toàn tín dụng cho chính ngân hàng và hệ thống tín dụng.
“Chúng tôi bỏ tiền ra mua món nợ xấu này, chấp nhận rủi ro, với hy vọng để đầu tư, đồng thời cũng góp phần giúp ngân hàng giải phóng món nợ xấu. Vậy mà trước Tòa, bị đơn lại có những lời lẽ đe dọa, xúc phạm, thách thức chúng tôi, coi chúng như người đi ăn xin. Chúng tôi bỏ ra 205 tỷ đồng để mua món nợ xấu, nay bị đơn lại thương lượng, chỉ trả 270 tỷ cả gốc và lãi. Thưa quý tòa, chỉ tính riêng lãi suất ngân hàng hơn 3 năm nay đối với số tiền chúng tôi đã bỏ ra, cũng vượt xa con số đó, chưa tính cơ hội đầu tư 3 năm nay của chúng tôi mất đi. Như vậy, xét cả về mặt đạo lý và pháp lý thì hành vi của bị đơn đều không thể chấp nhận được. Tôi đề nghị HĐXX ghi nhận tình tiết bị đơn nhiều lần đe dọa nguyên đơn tại phiên xét xử vào Biên bản của phiên tòa.”, luật sư Nguyễn Tiến Quang nói.