Tránh chuyển đổi 'ồ ạt' các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản

Chiều 9/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đã có buổi làm việc với Cục Bổ trợ tư pháp để tháo gỡ một số vướng mắc trong công tác bổ trợ, trong đó có vấn đề liên quan đến hoạt động của một số Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.

Đã có 11/61 Trung tâm tự chủ 100%

Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã quy định việc thực hiện cơ chế tự chủ, chuyển đổi và giải thể Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại điểm đ khoản 1 Điều 79. Theo đó, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương xem xét, phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ đối với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, đề án chuyển đổi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết duy trì, đề án giải thể Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp.

Việc chuyển đổi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản cũng được Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII quy định nhằm tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai Nghị quyết 19, Bộ Tư pháp và cơ quan Tư pháp địa phương đang nỗ lực nghiên cứu cơ chế tự chủ với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản.

Theo thống kê gần đây của Bộ Tư pháp, cả nước có 545 tổ chức bán đấu giá, trong đó có 61 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (2 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản đã giải thể). Trong số các Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, đa phần các Trung tâm tự chủ một phần tài chính, 11 Trung tâm tự chủ 100% về tài chính và 4 Trung tâm được bao cấp toàn bộ kinh phí (đều thuộc tỉnh nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa).

Thực tế diễn ra tại Vĩnh Phúc cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Vĩnh Phúc chỉ được UBND tỉnh đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên. Việc cắt giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của Trung tâm. Qua tham khảo 4 Trung tâm đã tự chủ 100%, Sở này được biết các Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn và các địa phương đang đề nghị được hỗ trợ một phần kinh phí đối với Trung tâm. Trong bối cảnh các Trung tâm tiếp tục đảm đương nhiệm vụ chính trị trong đấu giá một số loại tài sản khó bán, giá trị thấp…, đại diện Sở Tư pháp đề nghị cần có lộ trình khi thực hiện tự chủ đối với Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo Bộ Tư pháp, để tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, các địa phương phải cân nhắc sự cần thiết chuyển đổi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản; trường hợp chuyển đổi thì chỉ đạo xây dựng đề án chuyển đổi dần Trung tâm sang cơ chế tự chủ về tài chính theo lộ trình phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tại địa phương. Việc chuyển đổi Trung tâm thành doanh nghiệp hoặc giải thể Trung tâm, cần thực hiện theo quy định tại Điều 79 Luật Đấu giá tài sản.

Cần đảm bảo lộ trình

Tuy nhiên, theo báo cáo của Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến, thời gian qua có tình trạng các địa phương “ồ ạt” lập đề án chuyển đổi, giải thể các Trung tâm. Trong khi các Trung tâm khi thực hiện nhiệm vụ chính trị là bán đấu giá tài sản Nhà nước phải thi hành “được” giá hơn hẳn các doanh nghiệp đấu giá, không gây thất thoát tài sản Nhà nước thì việc chuyển đổi, nhất là giải thể, phải thận trọng.

Bà Yến đề nghị thông qua các đoàn công tác địa phương của Lãnh đạo Bộ cần lưu tâm địa phương việc thực hiện công văn của Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp trong thực hiện chuyển đổi, giải thể Trung tâm.

Nhắc lại quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 79 Luật Đấu giá tài sản, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh quy định này đã nêu rất rõ lộ trình chuyển đổi, với những ràng buộc cụ thể (xem xét, phê duyệt đề án thực hiện cơ chế tự chủ, đề án chuyển đổi Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thành doanh nghiệp trong trường hợp không cần thiết duy trì Trung tâm, đề án giải thể Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp không có khả năng chuyển đổi Trung tâm thành doanh nghiệp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Tư pháp). Cho ý kiến xử lý, Thứ trưởng cho hay, đối với các đề án mà địa phương đã trình thì yêu cầu địa phương báo cáo giải trình thêm, phân tích được lý do giải thể, đánh giá lợi thể so sánh…

Về phía Bộ Tư pháp, Thứ trưởng đề nghị Cục Bổ trợ tư pháp sớm ban hành danh mục các tổ chức bán đấu giá bởi cũng theo Luật, cá nhân, tổ chức có tài sản bán đấu giá có quyền lựa chọn tổ chức bán đấu giá. Danh mục có thể như một bảng xếp hạng các tổ chức bán đấu giá, trong đó có các Trung tâm, có uy tín, kinh nghiệm, năng lực để giúp người có tài sản có thể lựa chọn tổ chức bán đấu giá, đồng thời ngăn chặn các tổ chức bán đấu giá không đủ uy tín lại được “tùy tiện” bán tài sản công.

Hoàng Thư

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/tranh-chuyen-doi-o-at-cac-trung-tam-dich-vu-dau-gia-tai-san-447297.html