Tránh chuyện nâng giá khi làm cao tốc Bắc-Nam phía Đông

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dự án khi triển khai phải đảm bảo đúng yêu cầu, thiết kế; tránh thất thoát, lãng phí.

Chiều nay (6/1), thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, để dự án triển khai tốt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần tập trung một số việc cụ thể.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Trần Thường

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Trần Thường

Thứ nhất, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. Ở các nước họ chuẩn bị đầu tư cho dự án từ 3-5 năm. Còn nước ta, do công tác quy hoạch, quản lý, kế hoạch trung hạn, dài hạn và nhiều vấn đề khác nên công tác chuẩn bị đầu tư nói chung là gấp gáp, dẫn tới quá trình thi công gặp trở ngại.

Theo Chủ tịch nước, chuẩn bị tốt đầu tư chính là ở khâu GPMB. Đối với dự án vấn đề GPMB thường là trở ngại. Với dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông, việc GPMB giao cho chính quyền địa phương đảm nhận.

"Dưới góc độ Quốc hội, chúng ta bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, trước hết làm tốt tái định cư cho người dân bị thu hồi đất, để người dân khi đến nơi ở mới có điều kiện bằng hoặc tốt hơn nơi cũ. GPMB phải đi liền với tái định cư, quyền lợi người dân phải được đảm bảo", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Thứ hai là chống thất thoát, lãng phí. Ông nói, không thể để lãng phí, thất thoát lớn trên các tuyến giao thông như cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Đồng thời, phải tìm những đơn vị thi công có năng lực để thực hiện. Đi cùng với đó phải chấm dứt tình trạng bán thầu.

Theo Chủ tịch nước, nhiều đơn vị, nhờ quan hệ nên trúng thầu, sau đó bán thầu lại cho B, B’….như vậy qua nhiều bước trung gian.

Ông nhắc lại dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và cho hay, dự án này nói chung trên toàn tuyến là ổn nhưng có một số gói bán thầu nên định mức vật tư, rồi những việc khác bị ảnh hưởng, dẫn tới chất lượng công trình bị ảnh hưởng.

Đây là kinh nghiệm hết sức sâu sắc trong quá trình chỉ đạo xây dựng cao tốc Bắc- Nam.

Chủ tịch nước nhấn mạnh thêm, phải làm tốt hơn nữa trong công tác kiểm toán, giám sát, thanh tra, kiểm tra của các đơn vị chức năng, không thể buông lỏng. Dự án khi triển khai phải đảm bảo làm đúng yêu cầu, đúng thiết kế, tránh thất thoát, lãng phí. Đưa kiểm toán vào ngay từ đầu để tránh chuyện nâng giá, thay đổi định mức.

"Việc đấu thầu đơn vị thi công phải chọn lựa đơn vị tốt nhất, tránh tình trạng thất thoát thông qua chỉ định thầu.

Những vấn đề khác có thể tạo điều kiện triển khai là tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, có thể triển khai chỉ định thầu trên cơ sở giảm giá dự toán bao nhiêu % nhằm nhanh chóng có đơn vị thiết kế, thẩm định", Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch nước nhắc tới gói kích thích kinh tế tài khóa đang được Quốc hội thảo luận. Theo ông, chưa bao giờ chúng ta có gói lên tới 15-16 tỷ USD như hiện nay.

Vẫn theo Chủ tịch nước, tiền đầu tư vào dự án sẽ phát huy hiệu quả, có tác dụng. Tiền mà thất thoát qua trung gian thì rất khó khăn.

Cần tính toán lại định mức kỹ thuật

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho hay, nguồn vốn dự án hơn 146.000 tỷ đồng thì trong đó có 72.000 tỷ lấy từ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Quốc hội

Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Quốc hội

Trong 12 dự án thành phần, có 10 dự án thuộc dự án công trình quan trọng quốc gia, tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ.

Ông cho rằng, nếu chuẩn bị tốt nhất thì cũng phải hết năm 2023, sang 2024 mới khởi công được. Như vậy, vừa không đạt được mục tiêu dòng vốn của chương trình phục hồi phát triển kinh tế mà Quốc hội đang thảo luận và sẽ xem xét quyết định.

Ngoài ra, kể từ khởi công đến khi thực hiện dự án tối thiểu cũng phải 2 năm nữa, như vậy sẽ vượt qua cả giai đoạn đầu tư công của giai đoạn 2021-2025.

Để giải đáp được khúc mắc này, ông đề nghị có phân cấp. Theo ông, hiện nay dự án công trình quan trọng quốc gia trên 10.000 tỷ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Như thế, hoàn toàn có thể phân cấp để Bộ GTVT quyết định đầu tư. Làm vậy sẽ giảm được một trình tự thủ tục. Trong quá trình làm phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Luật đầu tư công, chỉ mỗi khác thẩm quyền.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho rằng, với tổng mức đầu tư gần 147.000 tỷ đồng cho 729 km đường cao tốc, suất đầu tư như vậy là hơi cao, nên trong tính toán định mức kỹ thuật phải xem lại.

Chưa thể nói suất đầu tư cao hay thấp

Nêu quan điểm trước câu hỏi suất đầu tư của cao tốc Bắc – Nam cao hay thấp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh mức đầu tư đưa ra là khái toán, dự báo chứ chưa lập dự án, dự toán và chưa tính phương án đền bù nên chưa thể nói mức này cao hay thấp.

Dù vậy, theo ông Phớc, mức đầu tư bình quân cho đường cao tốc hiện nay là khoảng 200 tỷ/km, còn tùy vào nền đường của mỗi nơi.

Ông Phớc nhấn mạnh Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về mức độ chính xác của dự án, của tổng mức đầu cũng như thiết kế dự toán.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội

Góp ý cho phương án nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn sau khi dự án hoàn thành, ông Phớc cho biết ban đầu, Bộ GTVT đưa ra phương án đầu tư 4 dự án thành phần bằng phương thức BOT, với tổng vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ. Sau khi dự án hoàn thành sẽ đặt 4 trạm thu phí, dự kiến mỗi trạm thu 730 triệu/ngày và thu trong khoảng 15 năm.

Nhưng sau khi tính toán lại, Bộ trưởng Tài chính cho rằng đầu tư công 4 dự án thành phần này, sau đó đặt 4 trạm trên toàn tuyến dài 729 km, tức là mỗi trạm cách nhau 243 km rồi tổ chức đấu thầu, giao tư nhân quản lý, sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Theo tính toán của ông Phớc, nếu theo phương án này thời gian thu phí sẽ chỉ còn 5-7 năm thay vì 15 năm như dự tính ban đầu.

“Sau khi có đường, có quy hoạch rồi thì sẽ đặt vị trí 4 đặt trạm để tính toán xem mỗi ngày có bao nhiêu lượng xe đi qua và thu được bao nhiêu tiền. Từ đó xây dựng phương án đấu thầu. Đơn vị nào có phương án hiệu quả nhất, thu phí trong thời gian ngắn nhất sẽ được lựa chọn”, ông Phớc giải thích.

Ông cho rằng như vậy số tiền nhà nước đã bỏ ra đầu tư sẽ sớm được thu hồi, nên phương án này không ảnh hưởng gì mà chỉ còn có lợi.

Nhắc lại một số dự án BOT trước đây, ông Phớc nhìn nhận việc thua lỗ hay nhà đầu tư “rời bỏ” là do cách khảo sát đặt trạm thu phí không hợp lý, dẫn đến khi vận hành người dân phản đối, trạm không thu phí được nên ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

Hương Quỳnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/tranh-chuyen-nang-gia-khi-lam-cao-toc-bac-nam-phia-dong-806968.html