Tránh cơ chế xin - cho trong quy định tách thửa
Ngày 7/5, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Quyết định của UBND thành phố ban hành quy định về điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa trên địa bàn TPHCM.
Giải quyết nhu cầu chính đáng cho dân
Phát biểu tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết, hiện nay Luật Đất đai và một số Nghị định hướng dẫn thi hành có hiệu lực, nội dung của Quyết định số 60/2017 về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa không còn phù hợp. Vì vậy, Quyết định này cần được sửa đổi nhằm giải quyết nhu cầu tách thửa cho người dân, đồng thời không để xảy ra tình trạng lạm dụng, biến tướng, phá vỡ quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng quỹ đất cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của địa phương.
Tại Điều 4 của dự thảo quy định, khu vực 1, gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú, điều kiện tách ra mỗi thửa có diện tích tối thiểu 36m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 3m.
Khu vực 2, gồm các quận: 7, 12, Bình Tân, TP.Thủ Đức và thị trấn các huyện, điều kiện tách ra mỗi thửa có diện tích tối thiểu 50m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 4m.
Khu vực 3, gồm các huyện: Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn), điều kiện tách ra mỗi thửa có diện tích tối thiểu 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5m.
Ông Châu Minh Tỷ, thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ – Pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM. cho hay, hầu hết những người tách phân lô để cho con, cháu là ở tại chỗ nhưng Dự thảo chủ yếu nhắm tới việc ngăn chặn phân lô bán nền thu lợi nhuận. Vì vậy, quy định vô tình đã chặn luôn nhu cầu chính đáng của người dân là chia đất cho con cháu.
Ông tỷ mong muốn, cần đưa ra quy định cụ thể của từng đối tượng, hạng mục, trong đó ngăn chặn phân lô để trục lợi và nhu cầu thực sự chia cho các con cháu, cần phải tính toán đẩy đủ.
Ngoài ra, ông Tỷ cũng phản ánh, tại thành phố có những dự án quy hoạch kéo dài mấy chục năm, không cho xây nhà, không tiến hành đền bù giải tỏa, nhiều đời nhiều con cháu sinh sống trong những căn nhà chật chội, thiếu thốn, tiềm ẩn nguy hiểm sập đổ. Điều này vô tình ngăn cản quyền chính đáng về nhà ở của nhân dân.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, dự thảo quy định trường hợp thửa đất quy hoạch xây dựng mới, hỗn hợp có quy hoạch chi tiết 1/500 thì được tách thửa. Trước kia điều kiện tách thửa là những khu đất có tỷ quy hoạch tỷ lệ 1/2000 hoặc phân khu tỷ lệ 1/2000 nay bắt buộc phải có 1/500 là “gây khó khăn thêm cho người dân có nhu cầu thực sự tách thửa cho con cái”. LS Hậu cho rằng, quy định này không khả thi trên thực tế.
Qủan lý chặt chẽ từ cơ quan nhà nước
Theo bà Phạm Thị Bích Ngọc, Khoa Quản lý Đất đai, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM, tách thửa đất là quyền của người dân, nhưng về phía Nhà nước cần chặt chẽ trong quản lý để tránh tách tùy tiện, tránh xảy ra tình trạng nhiều người dân, doanh nghiệp lợi dụng việc này để phân lô bán nền trục lợi.
Cũng theo bà Ngọc, đã có thời gian các quy định không cho hoặc hạn chế tách thửa đất ở mới, dẫn đến quyền lợi của người dân không đảm bảo nên họ lên tiếng rất nhiều. Ví dụ, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, 3 năm liền hoạt động này không thể thực hiện, nhà quản lý địa phương cũng rơi vào lúng túng.
Bà Ngọc nhận định, dự thảo Quyết định có những điều mở nhưng thực ra là cấm, hoặc rất khó thực hiện, chẳng hạn như ở Điều 4 của dự thảo điều chỉnh tại khu vực nông thôn quy định “diện tích tối thiểu là 80m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu thửa đất không nhỏ hơn 5 mét”. Trên thực tế, không phải mảnh đất nào chia ra cũng có thể có diện tích và hình thù như quy định trên. “Các điều kiện thực hiện đồng bộ thì mới triển khai được, nếu cái này cho, cái khác lại không cho, có nghĩa là không thực hiện được, nó sẽ trở thành vô nghĩa”, bà Ngọc nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thị Lợi, đại diện Mặt trận quận 1 cho biết, từ 1987 đến nay, thành phố đã có 4 Quyết định của UBND quy định về tách thửa, đây là công cụ để chính quyền quản lý việc sử dụng đất. Tuy nhiên, theo bà Lợi, 30 năm làm công tác tuyên truyền, giải đáp về các vấn đề pháp luật ở nhiều lĩnh vực khác nhau, bà đã bắt gặp phần lớn trong số đó những câu hỏi gửi về hoặc gặp tư vấn trực tiếp liên quan đất đai, điều này chứng tỏ quy định của chúng ta còn rất lỏng lẻo. “Vì vậy cần phải bàn bạc, lắng nghe kỹ lưỡng, tránh trường hợp lặp đi lặp lại việc ban hành rồi lại sửa đổi, tốn kém và ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích cả của người dân và nhà nước”, bà Lợi đề nghị.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Thành phố cho rằng, hội nghị dành được sự quan tâm rất đặc biệt từ các đại biểu vì nó tác động đến nhiều đối tượng, nhất là người dân. Qua đây cũng giúp người dân hiểu, chấp hành đúng về pháp luật liên quan đến đất đai. “Về phía ngành Tài Nguyên và Môi trường thành phố xem đây cơ hội để lắng nghe, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo và đưa ra quyết định đúng đắn, đầy đủ nhất”, ông Thắng chia sẻ.