Tranh cổ động góp phần bảo vệ môi trườngTin khácTiêm nhắc lại mũi 3 vắc xin COVID-19: Đảm bảo an toàn, nhanh chóng, hiệu quảĐẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ nông sản ùn ứ tại khu vực cửa khẩu

Chức năng giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường là một thế mạnh của tranh cổ động lâu nay. Hiệu quả sẽ còn được nâng cao nếu các họa sĩ đổi mới phong cách và ban tổ chức sáng tác tranh cổ động mở ra nhiều cách thức quảng bá để thông điệp tích cực, nhân văn lan tỏa đến công chúng.Bảo vệ môi trường là chủ đề khó trong sáng tác mỹ thuật, bởi rất dễ sa vào minh họa, luận đề, xem nhẹ chức năng thẩm mỹ, tính nghệ thuật khiến tác phẩm khô khan, đơn điệu, một chiều. Thế nên, khi sáng tác về chủ đề bảo vệ môi trường, nhiều họa sĩ lựa chọn tranh cổ động vì thể loại này tạo ấn tượng trực tiếp, không kém phần sâu sắc, giúp người xem nắm bắt tức thì thông điệp trong tác phẩm. Từ đó, công chúng có thể suy ngẫm, nâng cao nhận thức và thực hiện hành động chung tay bảo vệ môi trường. Một số tranh cổ động bảo vệ môi trường của họa sĩ Lê Thuận Long.

Tranh cổ động được các họa sĩ gọi vui là “tranh quốc dân” bởi nội dung dễ hiểu, xóa nhòa khoảng cách về trình độ tri thức, sự hiểu biết về mỹ thuật của các đối tượng thưởng thức; đồng thời cũng xóa đi khoảng cách giữa tâm ý của tác giả thể hiện trên tác phẩm với khả năng thưởng thức của công chúng. Một đặc trưng khác của tranh cổ động là có thể nhân bản, in ấn, phóng chiếu ra nhiều kích cỡ, có tính phổ biến rộng khắp.

Từ những đặc trưng kể trên, tranh cổ động là thể loại phù hợp để sáng tác về chủ đề bảo vệ môi trường-một trong những vấn đề nhức nhối, đáng báo động đối với xã hội hiện nay. Song, thực tế, tranh cổ động về đề tài này hiện rất ít, bởi họa sĩ sáng tác hưởng ứng các cuộc thi hoặc cuộc vận động sáng tác của bộ, ban, ngành, hội văn học-nghệ thuật… Hiện nay, có nhiều cuộc thi, đợt phát động kêu gọi sáng tác tranh cổ động nhưng chủ yếu là các đề tài lịch sử, chính trị… còn về bảo vệ môi trường rất ít và chất lượng tác phẩm chưa nổi bật. Tự thân họa sĩ sáng tác tranh cổ động về chủ đề bảo vệ môi trường cũng rất hiếm vì sáng tác xong không bán được, bản chất tranh cổ động mang tính đại chúng, chỉ treo ở những vị trí công cộng, các nhà sưu tập cá nhân ít ưa chuộng.

Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thực phẩm bẩn tràn lan, môi trường sống ở một số nơi đang bị ô nhiễm nặng nề, tính thời sự, giàu chất tuyên truyền của tranh cổ động phô diễn một cách cô đọng, súc tích, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ thấu cảm, lan tỏa nhanh sẽ có lợi thế hơn các hình thức tuyên truyền khác. Nên chăng, các cơ quan chức năng, nhất là các hội văn học-nghệ thuật cần quan tâm, đầu tư cho sáng tác tranh cổ động bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nên tổ chức nhiều trại sáng tác cho các họa sĩ tham quan thực tế lấy cảm xúc, tập trung thời gian sáng tác nhiều hơn, có chất lượng phục vụ quảng bá, kêu gọi người dân bảo vệ môi trường.

Tham gia sáng tác tranh cổ động bảo vệ môi trường, bản thân họa sĩ cũng cần đổi mới phong cách nghệ thuật, tránh sự lặp lại của người đi trước. Thật mừng, qua các cuộc thi ngày càng xuất hiện những họa sĩ chịu khó tìm tòi, đổi mới như trường hợp họa sĩ Lê Thuận Long (Lệ Thủy, Quảng Bình) đã có nhiều tác phẩm ấn tượng tham gia cuộc thi sáng tác tranh cổ động bảo vệ môi trường do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức năm 2020. Cách xây dựng bố cục, đường nét, mảng miếng, hình ảnh được sắp xếp, lồng ghép rất cô đọng, đơn giản, màu sắc được tối giản, bố cục rất chặt chẽ, hài hòa, thuận mắt.

Để hiệu quả tuyên truyền tranh cổ động bảo vệ môi trường lớn hơn, ngoài việc trưng bày tác phẩm ở phòng trưng bày triển lãm hoặc treo ở các vị trí công cộng như lâu nay, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu in ấn hình ảnh tác phẩm trên các trang bìa tạp chí, trên các vật dụng đời sống của người dân… để tranh cổ động thêm gần gũi với công chúng.

Theo Quandoinhandan

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/van-hoa/474249-tranh-co-dong-gop-phan-bao-ve-moi-truong.html