Tránh dịch lây lan, công nhân ở tạm trong nhà máy

Trong khi dịch COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, công nhân, người lao động lưu trú tạm thời tại nhà máy được xem là một trong những giải pháp hiệu quả, dẫu không hề dễ dàng.

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần nhựa Zion, khu công nghiệp Vsip, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh tư liệu: Thái Hùng/TTXVN

Công nhân làm việc tại Công ty Cổ phần nhựa Zion, khu công nghiệp Vsip, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh tư liệu: Thái Hùng/TTXVN

Trong tình hình dịch COVID-19 hiện nay, nguy cơ dịch xâm nhập vào các khu công nghiệp rất lớn. Việc phòng chống dịch trong các khu công nghiệp càng được đặt lên cao nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, đảm bảo sức khỏe người lao động. Vấn đề đi lại của công nhân từ địa phương này sang địa phương khác, nhất là những nơi giáp ranh vùng dịch cũng được tính đến, trong đó có việc tổ chức cho người lao động ở lại và làm việc tại nhà máy, khu công nghiệp trong thời gian nhất định.

Tại Bắc Ninh, một trong số các tỉnh có số lượng khu công nghiệp lớn nhất khu vực phía Bắc, từ 0 giờ ngày 2/6 đã triển khai cho công nhân, người lao động ăn, ở, làm việc trong khu vực nhà máy. Định kỳ mỗi tuần, doanh nghiệp xét nghiệm cho tối thiểu 10% số công nhân viên ở lại nhà máy. Tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu công nhân ở lại chỗ làm việc tối thiểu 15 ngày trong đợt 1, khi quay về các công nhân này cách ly tại nhà.

Để sắp xếp cho công nhân ở lại, doanh nghiệp trưng dụng nhà ăn, hội trường, phòng hội thảo, phòng họp lớn… làm nơi ở tạm nhưng phải đảm bảo điều kiện an ninh trật tự, vệ sinh cá nhân và các điều kiện khác phục vụ công nhân. Phương án dựng rạp, nhà bạt dã chiến hoặc nhà kho không sử dụng để bố trí làm khu vực ăn ca cho công nhân trên cơ sở bảo đảm ánh sáng, quạt gió, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ cũng được tính đến.

Không riêng gì Bắc Ninh, Đồng Nai, một trong những tỉnh được coi là “thủ phủ” của các khu công nghiệp khu vực phía Nam, một số doanh nghiệp cũng đã xin phép tổ chức cho người lao động luu trú tại doanh nghiệp trong thời gian nhất định để làm việc và được tỉnh chấp thuận. Có doanh nghiệp đã thuê phòng trọ, mở rộng khu lưu trú, lắp container văn phòng để người lao động đến từ các vùng có dịch tạm trú, ổn định sản xuất. UBND tỉnh Đồng Nai cũng khuyến khích người lao động thường trú tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương nhưng làm việc tại Đồng Nai và ngược lại nên ở lại trong doanh nghiệp hoặc thuê trọ gần đó, không đi về hàng ngày. Bởi thực tế, mỗi ngày có hàng nghìn công nhân từ Bình Dương và Đồng Nai đến các nhà máy ở TP Hồ Chí Minh và ngược lại để làm việc, nguy cơ lây lan dịch sẽ rất cao.

Việc bố trí cho công nhân ở tạm tại nhà máy được xem là “giải pháp chưa có tiền lệ”, thể hiện cách làm linh động, năng động của doanh nghiệp, vừa đảm bảo sức khỏe cho công nhân, vừa góp phần giữ vững chuỗi sản xuất, đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp khi khuyến khích doanh nghiệp cho công nhân ở lại khu làm việc cũng đã thể hiện sự quan tâm kịp thời, từ đó góp phần thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, hạn chế thấp nhất sự đứt gãy của chuỗi sản xuất.

Tuy nhiên, việc sắp xếp cho công nhân ở lại nhà máy yêu cầu doanh nghiệp phải có đủ năng lực kinh tế cũng như năng lực tổ chức thực hiện. Điều này không hề dễ dàng, thậm chí sẽ gây lúng túng cho không ít doanh nghiệp, bởi số lượng công nhân quá lớn. Việc bố trí cùng lúc nơi ở cho hàng nghìn công nhân sẽ khó có thể đảm bảo điều kiện sinh hoạt, vệ sinh và những nhu cầu khác, nhất là đối với công nhân nữ. Ngoài ra, khi thực hiện cho công nhân lưu trú cũng cần đảm bảo công tác quản lý, an ninh trật tự; nhất là thực hiện giãn cách cho công nhân cũng như điều kiện sinh hoạt tập trung trong nhà máy để không ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất lao động.

Dù vậy, việc tổ chức cho công nhân tạm trú trong nhà máy để làm việc cũng chỉ là biện pháp tạm thời. Về lâu dài, khi dịch COVID-19 còn kéo dài, cần có những biện pháp căn cơ hơn. Các ngành chức năng cần tạo điều kiện để công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp sớm tiêm vaccine phòng COVID-19, từ đó có thể yên tâm sản xuất. Hơn ai hết, bản thân công nhân, người lao động cũng cần tuân thủ chặt chẽ kỷ luật lao động, tuân thủ nghiêm quy định về phòng chống dịch.

Tại các địa phương dịch COVID-19 đang cao điểm như TP Hồ Chí Minh, yêu cầu người đi từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố khác phải cách ly 7 ngày và xét nghiệm 3 lần nhằm tránh dịch lây lan; các doanh nghiệp, khu công nghiệp chưa thể ngay lập tức hoặc cùng lúc bố trí nơi ở cho hàng nghìn công nhân. Dó đó, với công nhân đã tiêm vaccine ngừa COVID-19, đã xét nghiệm âm tính cũng cần được tạo điều kiện để đi lại. Bên cạnh đó, các địa phương thuộc các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cần sớm phối hợp với các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh để được cấp thẻ nhận diện (“tạo luồng xanh”) cho xe ô tô đưa đón công nhân đi đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Hoàng Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/tranh-dich-lay-lan-cong-nhan-o-tam-trong-nha-may-20210711092244106.htm