Tranh Đông Hồ kể chuyện con trâu

Trong gần 20 dòng tranh dân gian ở nước ta, hình tượng con trâu còn khá khiêm tốn so với hình ảnh con lợn và con gà. Điển hình như dòng tranh Đông Hồ, còn được mệnh danh là dòng tranh lợn-gà, do tần xuất của lợn, gà xuất hiện nhiều hơn trâu. Có lẽ, lợn gà là biểu tượng của sự sung túc, con đàn cháu đống và sự phồn thực… Nhưng con trâu lại được đánh giá cao hơn, đơn giản vì hình ảnh con trâu gắn với cơ nghiệp của người nông dân Việt Nam 'Con trâu là đầu cơ nghiệp'.

Bức tranh Trâu-Sen. Ảnh: Trịnh Sinh

Bức tranh Trâu-Sen. Ảnh: Trịnh Sinh

Tính về mặt gia sản của một gia đình trước đây thì con trâu có giá trị hơn con lợn, con gà gấp nhiều lần. Trâu còn là loài vật quan trọng nhất giúp nhà nông trong việc đồng áng: từ cày, bừa đến chuyên chở thóc lúa, nông sản. Việc gì nặng nhọc cũng nhờ đến sức trâu. Việc gì cần cù, chăm chỉ sớm hôm cũng thấy mặt trâu “Lao xao gà gáy rạng ngày/Vai vác cái cày, tay dắt con trâu”. Thậm chí, người làm nông còn nhân cách hóa con trâu như một người bạn qua những lời thủ thỉ cùng trâu “Trâu ơi, ta bảo trâu này/ Trâu ăn no cỏ, trâu cày với ta”.

Đối với làng Đông Hồ xưa, thuộc loại nghèo của huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, ruộng đất ít, trong làng chỉ có vài nóc nhà lợp ngói, đường làng lầy lội, may mà có nghề phụ là sản xuất tranh dân gian bên cạnh làm nông. Vì thế, nhiều bức tranh dân gian Đông Hồ đã phản ánh toàn diện cuộc sống của chính họ, trong đó có việc sản xuất nông nghiệp. Chẳng thế mà khi vẽ hoạt cảnh “Canh nông chi đồ”, nghệ nhân tả các công đoạn làm nông khá chân thực, họ đã mô tả con trâu đang giúp người nông dân cày ruộng.

Bên cạnh đó còn tả các công đoạn đi bừa, cuốc đất, gieo mạ, tát nước rồi đến gặt lúa, gánh lúa về nhà, đập lúa, xay thóc, giã gạo. Kết thúc còn có cảnh đàn lợn, đàn gà, chó, có cả chuồng chim và chim bồ câu đang bay. Bức tranh còn có chú thích bằng chữ Hán-Nôm “Nông giả thiên hạ bản dã” (Nông dân là gốc của triều đình). Quả đây là bức tranh đẹp, thanh bình của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ xưa.

Bức tranh Đinh Tiên Hoàng Đế. Ảnh: Trịnh Sinh

Bức tranh Đinh Tiên Hoàng Đế. Ảnh: Trịnh Sinh

Con trâu còn đặc biệt được đặc tả trong những bức tranh dân gian Đông Hồ, đó là luôn được “cặp kè” với con người, điều mà ở những con vật khác như con lợn, con cá, con chim... ít có được “vinh dự” ấy. Trong một loạt bức tranh đặc tả người nông dân sau buổi làm đồng, ngồi nghỉ dưới gốc cây, bên cạnh là một con trâu.

Trâu được đặc tả với những đường cong đẹp, đôi sừng vểnh, bụng căng tròn, điểm xuyết hoa văn xoay tròn tượng trưng cho khoáy trâu (khoáy trâu là một dấu hiệu để chọn trâu khỏe và đẹp). Trên lưng trâu là đôi chim đang châu đầu vào nhau.

Dưới gốc cây là một nông dân đang ngồi nghỉ, tay phe phẩy quạt, phanh áo đón gió mát. Cạnh đó là cái bừa. Cái dáng vẻ thanh thản của người, cái béo tốt của trâu đã biểu tượng cho cuộc sống của nhà nông yên bình và đủ đầy. Bức tranh đẹp ở chỗ các đường viền đen mô tả các nét đẹp khỏe khoắn, đặc trưng và sinh động của trâu. Các mảng màu nguyên, được chế từ đá son đỏ, màu vàng hoa hòe, màu xanh gỉ đồng, màu đen tro đốt từ lá tre làm cho bức tranh có phần rực rỡ, làm nên cái “chất” Đông Hồ không trộn lẫn vào đâu được.

Một số tranh Tứ bình, vốn là tranh treo ở phòng khách của những nhà sang trọng cũng có hình tượng con trâu. Đó là loạt tranh tứ nghề, tức là 4 nghề phổ biến trong xã hội xưa: Ngư (đánh cá), Tiều (đốn củi), Canh (làm nông) và Độc (đọc sách, nho sĩ). Trâu có mặt trong bức Canh. Nói đến biểu tượng nông nghiệp thì không thể thiếu hình tượng con trâu.

Có lẽ, hình tượng trâu đẹp nhất phải kể đến “Trâu-Sen”, tả cảnh một cậu bé kháu khỉnh ngồi trên lưng trâu. Trong tranh còn có dòng chữ Hán-Nôm “Hà diệp cái thanh thanh” (Xanh xanh màu tán lá sen che đầu). Vẻ đẹp của bức tranh này nằm ở bố cục của tranh: chiếm mảng lớn thu hút tầm nhìn là con trâu với dáng khỏe, bụng cong tròn, đầu nghểnh cao, tai vểnh lên như đang lắng nghe tiếng sáo vi vu từ một cậu bé ngồi trên lưng. Phía trên đầu cậu bé lại có một lá sen đang làm cái tán che nắng. Mảng đối diện được điểm xuyết hai hàng chữ, tạo cảm giác thoáng đãng của bầu trời ở trên cao. Các đường cong mềm mại của lá sen được đăng đối với đường cong của bụng trâu tạo hiệu ứng tròn đầy, viên mãn. Màu sắc sử dụng gam màu gốc, có được nét đặc trưng sặc sỡ, mộc mạc của dòng tranh Đông Hồ.

Bức tranh “Thiên hạ Thái Bình, nhân dân an lạc”. Ảnh: Trịnh Sinh

Bức tranh “Thiên hạ Thái Bình, nhân dân an lạc”. Ảnh: Trịnh Sinh

Hình tượng con trâu còn gắn với anh hùng dân tộc thuở thiếu thời trong bức tranh Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng cưỡi trâu, phất cờ lau tập trận. Trâu trong tranh thể hiện bằng những nét vẽ gân guốc, góc cạnh. Đối lập là cậu bé ngồi trên lưng hiền từ, nét mặt tươi tắn. Gam màu chủ đạo của bức tranh là màu đỏ trên nền vàng của giấy điệp.

Hình ảnh con trâu bước ra từ tranh dân gian Đông Hồ phản ánh nét đẹp đậm đà bản sắc làng xã Việt Nam, gần gũi với đa số người Việt, nhất là những chiến sĩ biên phòng xa nhà, mà tâm hồn và ký ức còn mang nhiều nét “chân quê”, dẫu có xa quê nhiều năm vẫn còn vương vấn đọng lại.

Trịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tranh-dong-ho-ke-chuyen-con-trau-post437027.html