Tránh đợt rét sắp ập đến, dân Hà Nội sắm Tết sớm
Trước ngày không khí lạnh đổ bộ các tỉnh miền Bắc, người dân Thủ đô đổ về các siêu thị để mua sắm thực phẩm, hàng hóa để đi biếu nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn sắp đến.
Còn 20 ngày nữa tới Tết Nguyên đán Giáp Thìn, không khí mua sắm chọn hàng Tết ở các siêu thị bắt đầu nhộn nhịp. Thời điểm này, nhiều người tranh thủ thời gian trống để đi tìm chọn quà biếu và dùng trong nhà.
Tại một siêu thị ở quận Cầu Giấy sáng thứ 6 (19/1), khá đông khách đi chọn quà Tết để tránh phải chen lấn.
Đặng Thị Giang, nhân viên quầy bánh kẹo (áo đỏ) cho biết, ngay từ tháng 12 các mặt hàng có bao bì tượng trưng cho Tết đã được chuyển đến thay thế cho hàng hóa của ngày thường.
Hiện chưa phải dịp cao điểm nên với một số thương hiệu bánh, các nhân viên chỉ bán được ở mức tương đối. Cứ vài tiếng khi hàng hóa lại được lấp đầy sau khi trên kệ bị rỗng.
Các mặt hàng thực phẩm chế biến công nghiệp dịp này được quan tâm hơn cả. Trong ảnh là kệ bày lạp xưởng, một gói có giá từ 39.000 đến 130.000 đồng.
Các kệ bày bánh mứt kẹo bán cân được nhiều khách quan tâm hơn cả.
"Năm nay, nhiều mẫu mã bao bì được thiết kế đẹp, bắt mắt, tạo cảm giác ngon miệng, còn chất lượng thì không biết thế nào. Tôi cứ bốc vài vốc bánh kẹo ở đây về ăn thử. Nếu ngon tuần sau tôi quay lại mua về tiếp khách ngày Tết", chị Hà, một vị khách nhận xét.
Do ăn Tết ở Hà Nội, vợ chồng anh Phạm Văn Túc, chị Dương Hồng Ngọc tìm bánh kẹo để mang về quê Nam Định trước 2 tuần để làm quà cho người thân.
Nguyễn Phương Nhi, một giáo viên mầm non tranh thủ ngày nghỉ phép đi sắm Tết một mình trong khi chồng đang bận rộn đi làm. "Năm nay điều kiện kinh tế cũng ổn, tôi đi mua ít cà phê, trà, gia vị và một số loại thực phẩm mà để được lâu, không hỏng. Nếu tuần sau mới đi mua đồ thì rét lắm. Tôi dự tính chi khoảng 5 triệu đồng cho các mặt hàng này", cô nói.
Còn cô gái Tạ Thị Mai đang chọn mua thịt đóng gói và gia vị để ăn lẩu nướng tất niên. Nhân dịp này, cô mua thêm một số mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán.
Chất đầy một xe đẩy vẫn chưa đủ nhu cầu hàng hóa, ông Đào Anh Tuấn (phường Phương Liên, quận Đống Đa) đứng đợi vợ chọn thêm vài chai gia vị. Ông kể, tranh thủ trước khi trời rét ông bà đi mua quà biếu hai bên nội, ngoại ở quê (huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Đây sẽ là cái Tết thứ 44 ông bà được đón tại Thủ đô nhưng dịp này chỉ có 3 thành viên gồm hai vợ chồng ông và cô con gái. Con trai ông lập gia đình ở riêng và ăn Tết riêng. Đặc biệt, cả nhà ông sẽ không gói hay mua bánh chưng vì người thì bị dạ dày, đầy bụng, người thì bị thừa cân béo phì...
Bà Hương (ở phố Văn Cao) dự định cuối tuần này về quê ở Vụ Bản, Nam Định biếu người thân bánh và rượu. Do không sành loại đồ uống này, bà loay hoay chọn rất lâu những chai rượu vang của cả Việt Nam lẫn Pháp sản xuất.
Dù chưa phải cao điểm, hàng hóa vẫn thường xuyên bị rỗng, các kệ hàng liên tục được nhân viên bổ sung bày biện lại.
Hoàng Thảo My chất đầy hai xe hàng sau khi làm thủ tục thanh toán với nhân viên thu ngân. Hôm nay cô mua chủ yếu bánh kẹo, thực phẩm khô vừa để dùng tại nhà vừa mang đi biếu Tết.
"Gần 10 triệu đồng như thế này với nhà em là bình thường", Thảo My chia sẻ trong khi làm thủ tục thanh toán.
Cơ quan khí tượng cho biết, trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ phổ biến từ 7-10 độ C, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 3-6 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ C; khu vực Bắc Trung Bộ từ 9-12 độ C; khu vực từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế từ 13-16 độ C. Đó là lý do nhiều người đi mua sắm Tết sớm để về quê trước khi trời rất lạnh.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tranh-dot-ret-sap-ap-den-dan-ha-noi-sam-tet-som-2241397.html