Tranh Đức Mẹ kiệt tác hóa biếm họa vì phục chế quá tay

Một tác phẩm nghệ thuật của danh họa Bartolome Esteban Murillo đã bị biến dạng tới mức gây sửng sốt sau nhiều lần phục chế.

Một nhà sưu tầm tranh nghệ thuật tại Valencia (Tây Ban Nha) sẵn sàng chi trả 1.355 USD để phục chế bức Immaculate Conception (Tạm dịch: Đức Mẹ miễn nhiễm với tội ác) của danh họa Bartolome Esteban Murillo (1617-1682).

Song nhà sưu tầm được một phen “hốt hoảng” vì tác phẩm phục chế quá khác biệt so với nguyên mẫu. Sau 2 lần khôi phục, khuôn mặt của Đức Mẹ Maria trở nên méo mó, biến dạng.

 Sau 2 lần khôi phục, khuôn mặt của Đức Mẹ Maria trong bức tranh trở nên méo mó, biến dạng. Ảnh: BBC.

Sau 2 lần khôi phục, khuôn mặt của Đức Mẹ Maria trong bức tranh trở nên méo mó, biến dạng. Ảnh: BBC.

Trước đó vào năm 2012, sự việc tương tự cũng xảy ra với tranh bích họa Ecce Homo vẽ Chúa Jesus. Được một giáo dân không chuyên phục chế, tác phẩm vô giá bỗng trở thành bức biếm họa với nhiều nét vẽ vụng về.

 Tác phẩm phục chế bị gắn với cái tên Monkey Christ (Tạm dịch: Chúa Khỉ). Ảnh: BBC.

Tác phẩm phục chế bị gắn với cái tên Monkey Christ (Tạm dịch: Chúa Khỉ). Ảnh: BBC.

Tác phẩm sau khi phục chế bị gắn với cái tên Monkey Christ (Tạm dịch: Chúa Khỉ) vì hình ảnh Chúa Jesus trong bức tranh trông giống một con khỉ đội mũ len.

Năm ngoái, tác phẩm điêu khắc Thánh George tại một nhà thờ ở Navarre cũng thu hút sự chú ý của dư luận. Sau khi được phục chế, bức tượng trông giống nhân vật hoạt hình trong các trò chơi điện tử.

 Bức tượng Thánh George sau khi được phục chế trông giống nhân vật hoạt hình trong các trò chơi điện tử. Ảnh: BBC.

Bức tượng Thánh George sau khi được phục chế trông giống nhân vật hoạt hình trong các trò chơi điện tử. Ảnh: BBC.

Hiện Tây Ban Nha chưa có luật để ngăn cấm người dân tự ý phục chế các tác phẩm nghệ thuật, dù người phục chế không có trình độ chuyên môn.

Trong một tuyên bố chính thức, Hiệp hội Phục hồi và Bảo tồn Chuyên nghiệp (Acre) đã lên án việc thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ di sản văn hóa, đồng thời chỉ trích các hành động phục chế trên là “sự phá hoại”.

“Thiếu đi luật pháp và quy định, chúng ta không thể bảo tồn các di sản”, hiệp hội cho rằng Tây Ban Nha cần thiết lập quy định chặt chẽ để bảo vệ các nghệ nhân trong ngành phục chế và bảo tồn lịch sử văn hóa.

Uyên Uyên

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-duc-me-kiet-tac-hoa-biem-hoa-vi-phuc-che-qua-tay-post1099371.html