Tránh gia tăng ùn ứ thanh long ở cửa khẩu

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, phía Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát chặt hơn đối với các hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa tại biên giới, trong đó có thanh long Bình Thuận. Còn tại nơi sản xuất, nông dân vừa phải đối phó với nắng hạn, vừa lo cho lứa thanh long chính vụ trong tháng 5.

Tránh gia tăng ùn ứ thanh long ở

Sản lượng ít

Những ngày cuối tháng 4, dưới ánh nắng gắt gao lâu ngày, cộng thêm những cơn gió thổi rào rạt, càng khiến cho vườn thanh long hơn 1.000 trụ của gia đình ông Nguyễn Tánh, thôn 5, xã Hàm Liêm (Hàm Thuận Bắc) càng trở nên thiếu sức sống. Vườn cây của ông và nhiều hộ dân khác trong thôn đã bị cắt nước tưới 1 tuần nay. Dù vẫn còn cầm cự được ít ngày, nhưng lứa nụ đầu mùa chính vụ bắt đầu nở không biết sẽ ra sao, nếu những ngày tới không có mưa.

Ông Tánh chia sẻ, biết được tình hình hạn hán kéo dài, nên gia đình ông chủ động không chong đèn lâu nay mà lấy lứa chồi non, để cây ra hoa tự nhiên mùa chính vụ, cuối tháng 5 sẽ thu hoạch. Thời điểm này, do sản lượng thanh long ít, nên giá bán thanh long vẫn ở mức 16.000 - 17.000 đồng/kg, nhưng gia đình không có bán. Còn nhiều hộ khác, những lứa thanh long chong đèn cuối mùa nghịch đang mang lại cho họ niềm hy vọng...

Theo ông Nguyễn Đức Trí- Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, trong tháng 4 này, sản lượng thanh long toàn tỉnh ở khoảng từ 15.000 - 17.000 tấn. Việc tiêu thụ trong thời gian qua cơ bản vẫn ổn định, do sản lượng chín rải rác.

Nói vậy, nhưng theo Sở Công Thương mới đây, qua nắm tình hình xuất nhập khẩu khu vực cửa khẩu biên giới tỉnh Lạng Sơn, đến ngày 20/4, tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vẫn còn hơn 1.600 xe hàng hóa tồn đọng. Trong đó tại cửa khẩu Tân Thanh có khoảng 800 xe, cửa khẩu Hữu Nghị có khoảng 500 xe, chủ yếu là các mặt hàng nông sản. Dự báo trong thời gian tới, hoạt động thông quan hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do sự kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ từ phía Trung Quốc.

Giảm tối đa thiệt hại

Thời gian qua, Sở Công Thương đã khuyến cáo đến doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc được biết thông tin trên để xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý. Chú trọng, quan tâm thực hiện các giao dịch xuất khẩu theo thông lệ quốc tế, thông qua hợp đồng mua bán ngoại thương. Các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại… để đảm bảo hoạt động xuất khẩu thanh long của tỉnh sang thị trường Trung Quốc được thuận lợi. Qua đó, sẽ góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế, tránh gia tăng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới… Sở Công Thương cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục rà soát tình hình sản xuất và hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với dự báo nhu cầu thị trường tiêu thụ thanh long trong thời gian tới. Trong đó, cần xử lý bằng kỹ thuật chăm sóc thanh long phù hợp với sản lượng gần tới kỳ thu hoạch và tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, tránh tình trạng bị ép giá.

Đặc biệt, trong khoảng tháng 5 tới đây, khi thanh long Bình Thuận bắt đầu bước vào chính vụ, sản lượng nhiều lên, lúc đó vấn đề tiêu thụ mới trở nên bức thiết. Để chuẩn bị cho thời điểm đó, việc cần làm là các đơn vị liên quan và nông dân phải đẩy mạnh kết nối, tìm kiếm đối tác tại các thị trường truyền thống khác (ngoài Trung Quốc). Riêng đối với thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp nên trao đổi, thống nhất với đối tác phía Trung Quốc thay đổi phương thức giao nhận, tiến hành xuất khẩu chính ngạch. Ngành công thương cũng khuyến cáo các doanh nghiệp tuyệt đối không nên đưa hàng lên biên giới chỉ để bán tại các chợ, không rõ đối tượng mua hàng, không tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu về bao bì, đóng gói, truy xuất nguồn gốc đối với hàng xuất khẩu…

Về phía Sở Nông nghiệp và PTNT, ông Nguyễn Đức Trí cho biết thêm: Hiện sở đã thông tin tình hình kịp thời đến các địa phương, doanh nghiệp, HTX biết để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và phương án thu mua tiêu thụ hiệu quả, theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Song song, sở có kế hoạch triển khai các liên kết chuỗi theo Nghị định 98 của Chính phủ trong năm 2020 một cách đồng bộ, hiệu quả, chú trọng thị trường mới ngoài Trung Quốc. Thực hiện được điều đó, sẽ góp phần tránh gia tăng ùn ứ hàng hóa ở cửa khẩu như thời gian qua.

KiỀu HẰng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/tranh-gia-tang-un-u-thanh-long-o-cua-khau-127088.html