Tranh giành quyền lực và sự suy vong của 'triều đại' Mugabe
Từ chính sách sai lầm cho đến lối sống xa hoa đắt đỏ, tổng thống Zimbabwe đã tự đánh mất danh tiếng của chính mình và chấp nhận cái kết cho chặng đường chính trị ở tuổi 93.
Tổng thống Zimbabwe sẽ phải chia tay sự nghiệp chính trị của mình, điều chẳng ai có thể ngờ tới vài ngày trước. Sự tàn nhẫn và cực đoan đã giúp ông nắm quyền trong gần 4 thập kỷ. Hơn ai hết, ông Robert Mugabe có lẽ là người bất ngờ hơn cả.
Trong nhiều năm, nhà lãnh đạo Zimbabwe luôn tự tin vào quyền lực của bản thân. Ông thậm chí nghỉ phép hàng tháng trời mà chẳng quan tâm tới việc điều hành đất nước. Ở tuổi 93, sự kiểm soát của ông đối với đảng cầm quyền và lực lượng quân đội khiến mọi sự nghi ngờ về quyền lực của tổng thống ở đất nước châu Phi này đều trở nên vô nghĩa.
Chỉ trong vài ngày, ông Mugabe, người đã lãnh đạo Zimbabwe từ năm 1980, bất ngờ bị quản thúc tại gia và nhận được lời kêu gọi từ chức.
Ngày 20/11, thông tin từ CNN cho biết ông đã đồng ý từ nhiệm do sức ép từ quân đội và người dân. Chặng đường chính trị của vị tổng thống lâu đời nhất châu Phi gần như đã đi đến hồi kết. Trong khi đó, vợ ông, bà Grace Mugabe, vẫn biệt tăm.
Vụ sa thải định mệnh
Vụ binh biến vừa qua ở thủ đô Harare được cho là hệ quả của sự kiện diễn ra vào ngày 6/11. Khi đó, ông Mugabe đã quyết định sa thải Phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, một nhân vật thân cận với lực lượng quân đội. Không dừng lại ở đó, tổng thống Zimbabwe ra lệnh bắt giữ một vị tướng vài ngày sau đó. Đây là động thái cho thấy ông Mugabe dường như đã quay lưng lại với quân đội và đồng minh chính trị quan trọng của lực lượng này.
"Ông ấy đã vượt lằn ranh, và chúng tôi không cho phép điều đó tái diễn", ông Douglas Mahiya, một trong những lãnh đạo hội cựu chiến binh, tổ chức được coi là đại diện cho lực lượng quân đội trong chính trường Zimbabwe, cho biết.
Chỉ vài giờ sau khi bị sa thải, ông Mnangagwa lo ngại bị bắt giam và đã chạy trốn sang Mozambique, nơi ông có mối quan hệ thân thiết về mặt quân sự. Một nguồn tin cho biết ông thậm chí đã tới Nam Phi.
July Moyo, một nhân vật thân cận với phó tổng thống, tiết lộ rằng ông đã lường trước khả năng bị sa thải. Vài giờ sau khi ông Mnangagwa đến Mozambique, ông Christopher Mutsvangwa, người đứng đầu hội cựu chiến binh, đã lên máy bay tới Nam Phi.
Những ngày sau đó, ông Mutsvangwa thảo luận với những nhà lãnh đạo Nam Phi và cảnh báo về nguy cơ can thiệp quân sự ở Zimbabwe. Ông đồng thời thuyết phục họ không dùng từ "đảo chính" cho sự kiện này. Đây được coi là động thái quan trọng nhằm tranh thủ sự ủng hộ từ một nước lớn trong khu vực.
Trong khi đó, tướng Constantino Chiwanga của Zimbabwe đang có chuyến công tác tại Trung Quốc. Ông nhận được thông tin rằng Tổng thống Mugabe đã ra lệnh bắt giữ ngay khi máy bay của ông hạ cánh xuống thủ đô Harare vào ngày 12/11.
Mọi việc không diễn ra theo kế hoạch của nhà lãnh đạo 93 tuổi. Những tướng lĩnh trung thành với ông Chiwanga có mặt tại sân bay và đàn áp lực lượng cảnh sát. Vụ bắt giữ thất bại.
Vài ngày sau, xe tăng và hàng nghìn binh lính tiến vào thủ đô Harare, chiếm đài truyền hình quốc gia và quản thúc tổng thống tại nhà riêng.
'Cá sấu' đối đầu G-40
Vụ sa thải phó tổng thống và bắt giữ tướng lĩnh được coi là kết quả của quá trình đấu tranh trong đảng Zanu-PF, đảng cầm quyền ở Zimbabwe từ năm 1980. Phe "Cá sấu" trong đảng này do Phó tổng thống Mnangagwa dẫn đầu và được hậu thuẫn bởi lực lượng quân đội cùng các cựu chiến binh.
Phe đối lập do Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe lãnh đạo, với sự trợ giúp từ Jonanthan Moyo, một chính trị gia tham vọng và mưu lược. Nhóm này bao gồm những thành viên trẻ tuổi và được biết đến với tên gọi G-40.
"Cá sấu" và G-40 liên tục đấu đá nhau để trở thành phe nắm quyền sau khi ông Mugabe ra đi. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo 93 tuổi không lên tiếng ủng hộ bất cứ phe nào. Tuổi tác của tổng thống Zimbabwe ngày càng cao và việc ông rời nhiệm sở là vấn đề sớm muộn.
Nhiều người tin rằng phe Cá sấu nắm giữ lợi thế trong cuộc đua này. Bởi một khi ghế tổng thống không có người nắm giữ, quyền lực sẽ tự động rơi vào tay Phó tổng thống Mnangagwa, người luôn tỏ ra thân thiện và tử tế với ông Mugabe.
Đối với những thành viên non trẻ của nhóm G-40, "vũ khí" duy nhất trong tay họ chính là Đệ nhất phu nhân Grace Mugabe. Nếu tổng thống qua đời, bà Grace sẽ không còn giá trị. Vì vậy, G-40 nhanh chóng tìm cách chuyển giao quyền lực trong lúc nhà lãnh đạo 93 tuổi chưa nhắm mắt xuôi tay.
Đệ nhất phu nhân Grace
Các chuyên gia nhận định sự sụp đổ của "triều đại" Mugabe bắt nguồn từ năm 2014, khi bà Grace bắt đầu tham gia chính trường.
"Việc bà ấy tham gia chính trường gây nên sự rạn nứt trong lòng Zimbabwe", ông Tendai Biti, một luật sư kiêm chính trị gia đối lập cho hay. Ông ví von cuộc đảo chính tuần trước là kết quả của sự bất đồng giữa những người ngồi cùng bàn ăn, trong khi đa phần các cuộc đảo chính ở châu Phi được thực hiện bởi những người ngồi dưới gầm bàn và nhặt bánh mì rơi vãi.
Lý do bà Grace quyết định tham gia chính trường vẫn là câu hỏi chưa có hồi kết. Trong suốt những năm sống cùng ông Mugabe, bà được gọi là "Gucci Grace", do lối sống xa hoa và thói chi tiêu phóng khoáng. Không giống người vợ đầu tiên của vị tổng thống 93 tuổi, bà Grace không nhận được sự yêu mến từ công chúng.
Nhiều người phỏng đoán chính ông Moyo đã tác động và khiến bà Grace trở thành một thế lực trên chính trường Zimbabwe. Ông này từng bị khai trừ khỏi đảng vào năm 2004, sau khi tìm cách "giăng bẫy" ông Mnangagwa.
Nhờ quan hệ thân thiết với tổng thống, Moyo nhanh chóng tái gia nhập đảng và thậm chí còn đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong nội các. Tuy vậy, tháng 6/2014, ông bị Tổng thống Mugabe chỉ trích vì gây ra các mâu thuẫn trong nội bộ đảng.
Để đảm bảo lợi ích lâu dài cho bản thân, ông Moyo quyết tâm lôi kéo đệ nhất phu nhân Zimbabwe vào trò chơi chính trị. Đương nhiên, bà Grace đã đồng ý.
Người vợ trẻ của một nhà lãnh đạo đang ở tuổi xế chiều cần sự hậu thuẫn từ các chính trị gia thân cận để đảm bảo quyền lợi của mình trong trường hợp chồng của bà ra đi.
Tháng 7 vừa qua, ông Moyo trực tiếp lên án Phó tổng thống Mnangagwa trong một cuộc họp của đảng cầm quyền. Cùng lúc đó, bà Grace cũng dùng lời lẽ thậm tệ để chỉ trích phó tổng thống, gọi ông là kẻ hèn nhát và có âm mưu đảo chính.
Đầu tháng 11, tại một cuộc biểu tình ở thành phố Bulawayo, một vài người trẻ tuổi đã tỏ thái độ chống đối và gọi bà Grace là kẻ trộm. Điều này dường như đã khiến ông Mugabe tức giận.
Hai ngày sau, ông sa thải phó tổng thống, mở đường cho bà Grace lên thay thế, và thậm chí trở thành tổng thống Zimbabwe trong tương lai.
Tuy vậy, mọi việc đang xoay chuyển theo hướng không ai ngờ tới. Đảng Zanu-PF đã khai trừ bà Grace và nhóm G-40 hôm 19/11. Một ngày sau đó, ông Mugabe chấp nhận từ chức do sức ép từ người dân và quân đội.