Tránh lạm dụng mở rộng phạm vi bình ổn giá
Sáng nay, 6.4, trong chương trình làm việc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu sẽ thảo luận về dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Trước đó, khi thảo luận về dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ Tư, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật là cần thiết, nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, cũng như khắc phục tình trạng 'luật khung, luật ống'.
Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được đưa ra thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV. Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, không nên quy định giao Chính phủ quy định về danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá mà cần quy định cụ thể nội dung này ngay trong Luật.
Qua tiếp thu ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu. Quy định cụ thể danh mục hàng hóa bình ổn trong Luật còn giúp bảo đảm tính pháp lý chắc chắn, ổn định, giúp doanh nghiệp, người dân đang kinh doanh những mặt hàng thuộc diện bình ổn giá có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đồng thời, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong Luật cũng khắc phục tình trạng “luật khung, luật ống”.
Để tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, dự thảo Luật quy định, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá phải đáp ứng đồng thời các tiêu chí sau: là hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá được quy định tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Luật này, bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; sữa công thức dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; phân urê; phân NPK; thức ăn chăn nuôi; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định, trong khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành họp hàng tháng và có thể họp bất thường để kịp thời quyết định việc này. Việc thực hiện này không phát sinh vướng mắc. Trong trường hợp muốn thay đổi thẩm quyền quyết định điều chỉnh danh mục hành hóa bình ổn giá so với quy định hiện hành, cơ quan soạn thảo cần có đánh giá tác động việc đề xuất sửa đổi này ảnh hưởng thế nào đến quyền và nghĩa vụ của người dân và doanh nghiệp. Cần làm rõ, người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi gì từ đề xuất này.
Để đúng với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, bảo đảm công khai, minh bạch về chính sách nhưng vẫn đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời, phù hợp thực tiễn, cần giữ nguyên như quy định của Luật Giá hiện hành. Quốc hội quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá trong Luật, trong thời gian giữa 2 Kỳ họp, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất. Bởi nói như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: “Chính phủ đề nghị là Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp được ngay và quyết định được ngay, vừa đảm bảo linh hoạt trong điều kiện thị trường nhưng thực chất đây là chia sẻ trách nhiệm và giải tỏa trách nhiệm cho Chính phủ”.