Tránh lãng phí nhà tái định cư: Cần tuân theo quy luật thị trường

Kinhtedothi – Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay diện tích tầng 1 ở các tòa nhà tái định cư đang được TP Hà Nội quản lý trên 80.000m2, còn trên 33.000m2 chưa có đơn vị sử dụng, gây ra tình trạng lãng phí lớn đối với tài sản công.

Lãng phí tài sản công

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến nay trên địa bàn TP có 174 nhà chung cư tái định cư đã đưa vào hoạt động. Nhưng vấn đề quản lý, sử dụng diện tích sàn tầng 1 đang có nhiều bất cập, hạn chế, các đối tượng được cho thuê cố tình chây ỳ không trả tiền thuê, gây ra tình trạng lãng phí tài sản công.

Hiện nay, diện tích tầng 1 các tòa nhà tái định cư hiện TP đang quản lý trên 80.000 m2 sàn, còn trên 33.000 m2 chưa có đơn vị sử dụng. Để khắc phục, Sở Xây dựng đã ban hành 3 văn bản đấu giá cho 3 đơn vị, gồm: Ban quản lý nhà công sở có 14.300m2; Công ty TNHH Một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội là 14.012m; Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị là 5.497m2. Thời gian qua, Công ty TNHH Một thành viên quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã đấu giá 59 điểm với diện tích xấp xỉ 10.000m2 nhưng chỉ thành công được 8 điểm, tương đương khoảng 1.000m2.

Việc sử dụng quỹ nhà tái định cư tại địa bàn Hà Nội còn nhiều bất cập. Ảnh: Doãn Thành

Việc sử dụng quỹ nhà tái định cư tại địa bàn Hà Nội còn nhiều bất cập. Ảnh: Doãn Thành

Không khó để có thể tìm thấy những tòa nhà tái định cư đã xây dựng hoàn thiện nhưng đang bị bỏ hoang hoặc ít người đến ở. Đơn cử tại quận Hoàng Mai có Tòa A1, khu tái định cư Sống Hoàng (ngõ 13 Lĩnh Nam, phường Mai Động); OCT1-ĐN2-X, OCT1-ĐN3-X (Khu đô thị Bắc Linh Đàm, phường Đại Kim)... rất ít người đến ở. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các khu tái định cư Hoàng Cầu (quận Đống Đa), Thành phố Giao lưu (quận Bắc Từ Liêm)...

Thậm chí, có những chung cư vẫn bỏ không nhiều năm nay, như: Nhà tái định cư 4A Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng), 3 tòa nhà tái định cư thuộc Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên)...

Thời gian qua, vấn đề lãng phí trong quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn Thủ đô được dư luận đặc biệt quan tâm, không ít tòa nhà tái định cư đã hoàn thiện trong nhiều năm vẫn ở trong tình trạng bỏ hoang hoặc ít người đến ở. Nguyên nhân do nhà tái định cư chưa được đưa vào sử dụng là do chưa đủ điều kiện bàn giao, chưa được nghiệm thu theo quy định.

Với các chung cư ít người về ở, một phần do việc các địa phương đã xin quỹ nhà nhưng tiến độ giải phóng mặt bằng chậm. Ngoài ra, từ cuối năm 2016, TP thực hiện cơ chế hỗ trợ tái định cư bằng tiền, thay vì bằng nhà nên nhiều hộ gia đình, cá nhân nhận hỗ trợ bằng tiền.

Đơn cử, năm 2020 quận Hai Bà Trưng được giao thực hiện giải phóng mặt bằng 2 dự án: Vành đai 2 đoạn cầu Mai Động - Ngã Tư Vọng và Khu liên cơ Vân Hồ với 807 phương án tái định cư được phê duyệt, song chỉ có 50/807 phương án nhận tái định cư bằng căn hộ...

Gắn liền chủ trương với thực tế

Câu chuyện lãng phí tài sản công ở các dự án chung cư tái định cư lần nữa lại được các đại biểu HĐND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm tại phiên chất vấn, Kỳ họp thứ 12 HĐND TP. Qua hoạt động kiểm tra, giám sát của Đoàn giám sát HĐND TP cho thấy thực trạng công tác quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn TP vẫn còn nhiều bất cập, dẫn đến vi phạm, lãng phí.

Sau khi TP Hà Nội ban hành Đề án về quản lý tài sản công, Sở Xây dựng đã ban hành Kế hoạch 297/KH-SXD để khắc phục tồn tại hạn chế trong tài sản công là nhà đất. Bên cạnh đó, Sở cũng đã ban hành các kế hoạch nhánh liên quan đến quản lý quỹ nhà tầng 1 ở các tòa tái định cư, chung cư thương mại phải bàn giao cho TP và các quỹ nhà liên quan đến xử lý vi phạm liên quan đến quỹ tái định cư, quỹ nhà chuyên dùng. Để sớm triển khai thực hiện đấu giá, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo tách khối lượng công việc cần thực hiện ngay để Sở Tài chính, Sở Xây dựng triển khai trước trong khi chờ Bộ Tài chính hướng dẫ.

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong

Theo đánh giá, một trong những nguyên nhân khiến nhà tái định cư bị “bỏ trống” do được xây dựng quá sớm, trong khi những dự án mà nhà tái định cư có nghĩa vụ phục vụ chậm tiến độ hoặc không được triển khai. Vì vậy, cần một cơ quan có thẩm quyền để phối hợp giữa dự án tái định cư và dự án mở đường hay khu đô thị mới.

“Cần chấm dứt tình trạng các đơn vị cứ mải miết triển khai phần việc của mình mà không để ý tới mối quan hệ giữa chúng. Phải nhanh chóng gắn chủ đầu tư những tòa nhà tái định cư với dự án mới. Việc nhà tái định cư xây dựng xong trước là đúng đắn, nhưng không nên quá xa thời gian triển khai của dự án giao thông, khu đô thị... dẫn đến chậm đưa vào khai thác gây lãng phí nguồn” - PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhìn nhận.

Đồng quan điểm, chuyên gia về quản lý đô thị KTS Nguyễn Văn Thanh cho rằng, chính sách xây dựng nhà chung cư tái định cư là cần thiết. Nhưng những công trình này được sử dụng bằng nguồn ngân sách Nhà nước, nên trước khi triển khai sẽ có rất nhiều đơn vị mong muốn được tham gia và nếu được chấp thuận có thể nhanh chóng hoàn thiện. Trong khi đó việc thiếu nghiên cứu và khảo sát xã hội học dẫn đến đánh giá sai về nhu cầu của người dân.

“Hầu hết các dự án nhà tái định cư xây dựng lên đều chưa đáp ứng đúng với yêu cầu thực tế hay nói cách khác là chưa tuân theo đúng quy luật của kinh tế thị trường. Nhà được xây dựng lên thì phải đáp ứng những yêu cầu về tiện ích xã hội cho tới giải quyết việc làm cho người dân, vì vậy để sử dụng hiệu quả quỹ nhà tái định cư thì chủ trương, chính sách cần phải gắn liền hơn với thực tế” – KTS Nguyễn Văn Thanh nói.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tranh-lang-phi-nha-tai-dinh-cu-can-co-theo-quy-luat-thi-truong.html