Tránh lãng phí tài sản công

Việc xử lý trụ sở công trên địa bàn đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp cần được thực hiện quyết liệt, đúng quy định, tránh gây lãng phí, thất thoát hoặc để tài sản, trụ sở hư hỏng, xuống cấp - đó là nguyện vọng, kiến nghị của nhiều cử tri.

Giai đoạn 2019-2021, theo quy định, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Tuy nhiên, cử tri Đỗ Khắc Long (huyện Phúc Thọ) cho rằng, việc chậm sắp xếp lại, xử lý trụ sở công sau sáp nhập các đơn vị hành chính gây lãng phí tài nguyên và ngân sách. Dù đã có những quy định cụ thể về việc xử lý trụ sở công dôi dư sau sáp nhập, tuy nhiên các quy định này chưa phù hợp với tình hình thực tế. “Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên, mất mỹ quan đô thị mà còn ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư của địa phương”, cử tri nói.

Về vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã trong giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội, cử tri Nguyễn Thị Bích (quận Hai Bà Trưng) cho rằng, cần chọn nơi đặt trụ sở hành chính mới hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Đi đôi với đó là chú trọng phương án sắp xếp, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn đơn vị hành chính mới hình thành nhằm bảo đảm không thất thoát, lãng phí.

Thực tế, tính đến hết năm 2023, tổng số cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của thành phố Hà Nội quản lý, sử dụng thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định là 6.764 cơ sở. Trong đó, số cơ sở nhà, đất đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý là 6.018 cơ sở (chiếm khoảng 90%). Thành phố phấn đấu hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý 100% cơ sở nhà, đất thuộc phạm vi quản lý trong năm 2025.

Để hoàn thành mục tiêu này, cử tri kiến nghị các cấp chính quyền thành phố cần rà soát, lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công ở các đơn vị hành chính; kịp thời điều chỉnh, cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để phục vụ sắp xếp lại, xử lý trụ sở; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị đang trực tiếp quản lý khẩn trương xây dựng phương án sắp xếp, xử lý. Đồng thời, cân đối, bố trí nguồn ngân sách để đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các trụ sở làm việc được tiếp tục sử dụng phục vụ hoạt động của đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp phù hợp với quy hoạch và điều kiện thực tế của địa phương…

Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành văn bản pháp luật có liên quan để tạo thuận lợi cho việc xử lý tài sản, trụ sở công ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2023-2025; hướng dẫn theo thẩm quyền việc xử lý tài sản, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, thủ tục hành chính đơn giản, rút ngắn thời gian thực hiện, tránh gây lãng phí, thất thoát, tham nhũng, tiêu cực hoặc để tài sản, trụ sở hư hỏng, xuống cấp gây lãng phí.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tranh-lang-phi-tai-san-cong-677782.html