Tránh lãng phí tài sản công sau khi sáp nhập

Sau khi triển khai sáp nhập, câu chuyện dư thừa và lãng phí trụ sở hành chính, tài sản công đang là bài toán chưa được giải quyết.

Xã Phượng Cách và xã Yên Sơn thuộc huyện Quốc Oai sáp nhập thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là Phượng Sơn, có trụ sở là xã Yên Sơn cũ. Số cán bộ, công chức của xã tăng từ 19 lên con số 28. Vì trụ sở xã Phượng Sơn đang thiếu các phòng làm việc nên một số đoàn thể phải làm việc chung, trụ sở xã Phượng Cách cũng vì thế tạm thời được trưng dụng.

Ông Nguyễn Bá Lượng, Chủ tịch UBND xã Phượng Sơn, huyện Quốc Oai cho biết: "Tạm thời xã đã bố trí bộ phận quân sự làm việc ở trụ sở xã Phượng Cách cũ để tránh lãng phí. Chúng tôi đề xuất phương án với huyện đã có kế hoạch sử dụng, nếu không được thì cũng lên phương án đấu giá để có nguồn cho đầu tư".

Vì ba xã sáp nhập làm một nên số cán bộ, công chức của xã Hoa Viên, huyện Ứng Hòa hiện tại là gần 50 người. Nơi làm việc hiện tại là trụ sở cũ của xã Hoa Sơn chỉ đủ phục vụ cho khoảng 20 người, trong khi hai trụ sở của hai xã cũ sau sáp nhập chưa có phương án sử dụng. Do đó, xã đành phải bố trí 2,3 đoàn thể chung một phòng; đến Phó Chủ tịch cũng phải hai người một phòng. Hội trường của xã cũng tạm thời phải cơi nới để có thêm phòng làm việc cho cán bộ.

Theo ông Vũ Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Hoa Viên, huyện Ứng Hòa, phương án trên là tạm thời vì trụ sở xã Hoa Viên là trụ sở cũ, phòng làm việc có giới hạn. Xã đã đề xuất với huyện phương án xử lí tài sản là trụ sở, tài sản công để tránh lãng phí.

Sau khi sắp xếp 109 đơn vị hành chính cấp xã, phường, hình thành 56 đơn vị hành chính mới, thành phố Hà Nội dôi dư 90 trụ sở, riêng với huyện Ứng Hòa là 9 trụ sở dôi dư. Hiện tại, huyện mới lập danh sách và đánh giá hiện trạng, tình hình sử dụng các trụ sở công để có phương án cụ thể.

Ông Nguyễn Ngọc Điệp, Trưởng phòng tài chính, UBND huyện Ứng Hòa cho biết: "Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương để rà soát tổng hợp, trên cơ sở đề xuất của từng địa phương, căn cứ vào các yếu tố đặc thù như văn hóa, lịch sử, nhu cầu sử dụng trụ sở để có phương án sử dụng cho phù hợp, tránh lãng phí. Trước mắt, một số trụ sở vẫn được các địa phương sử dụng cho số ít đoàn thể. Còn những trụ sở khác có thể tính toán đến phương án đấu giá để tăng nguồn thu, tránh lãng phí tài sản công".

Việc tính toán sử dụng hiệu quả tài sản công, trụ sở công và việc chống thất thoát tài sản rất cần được chú trọng sau sắp xếp đơn vị hành chính. Các địa phương cần kịp thời đề xuất các cơ chế đặc thù phù hợp với từng địa phương để thực hiện có hiệu quả việc sử dụng, xử lý trụ sở, tài sản dôi dư, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo nghị định mới về sắp xếp và xử lý tài sản công, đặc biệt là nhà, đất thuộc các cơ quan, tổ chức. Dự thảo đề xuất năm hình thức xử lý gồm: Giữ lại sử dụng; thu hồi; điều chuyển; chuyển giao cho địa phương quản lý và tạm giữ lại sử dụng.

Điểm đáng chú ý trong dự thảo là loại bỏ hình thức "bán tài sản công" để bảo đảm quyền lợi nhà nước, đồng thời tạo cơ sở pháp lý bền vững hơn trong quản lý tài sản công.

Quang Hưng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/tranh-lang-phi-tai-san-cong-sau-khi-sap-nhap-296207.htm