Tranh luận chậm giải ngân vốn đầu tư công, 'có tiền không tiêu được'
Đại biểu Quốc hội phản ánh tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công kéo dài đã nhiều năm. Bộ trưởng KHĐT giải trình nhiều lý do và khẳng định tất cả do tổ chức thực hiện.
Chiều 11/11, phiên chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nóng lên với những chất vấn, giải trình, tranh luận liên quan đến trình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đến nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt 55%, rất thấp so với kế hoạch.
Chậm giải nhân - không thể đổ cho pháp luật
Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) đề nghị Bộ trưởng KHĐT cho biết nguyên nhân vì sao tỷ lệ giải ngân vốn còn thấp và giải pháp của Bộ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Ông Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đây là vấn đề đã được nhắc ở rất nhiều kỳ họp nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Lý do giải ngân chậm trong năm nay, theo Bộ trưởng, do chuẩn bị phương án kém, chất lượng không cao khi chỉ mang tính hình thức; vướng mắc liên quan công tác giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, năm 2021 còn gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội thời gian dài, giá nhiên vật liệu tăng cao, thiếu lao động…
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) sử dụng quyền tranh luận để trao đổi lại với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng về nội dung này.
Ông Hạ nhắc lại chậm giải ngân vốn đầu tư công là vấn đề còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, không chỉ trong giải ngân mà bất cập từ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cho đến khi kết thúc dự án.
Đồng tình với nguyên nhân do tổ chức thực hiện, ông Hạ còn nêu tình trạng khi xây dựng kế hoạch không sát, không xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương mà do doanh nghiệp lập kế hoạch. Đặc biệt, có tình trạng điều chỉnh theo tư duy nhiệm kỳ, nhiệm kỳ xây dựng kế hoạch thì thấy cần thiết, bức xúc nhưng nhiệm kỳ sau lại xin điều chỉnh.
“Luật đã quy định rõ, vậy chuyện tồn tại nhiều năm thì Bộ KHĐT với trách nhiệm gác cửa, tham mưu về lĩnh vực này thì có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay. Nếu cứ để vướng mắc tồn tại dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển của nền kinh tế”, ông Hạ nói và đề nghị Bộ trưởng nói rõ giải pháp cũng như trách nhiệm.
Vấn đề không phải ở luật pháp
Từ vị trí điều hành, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng chia sẻ quan điểm về việc giải ngân vốn đầu tư công. Ông nhắc lại năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt kỷ lục 98%. “Thể chế của năm 2021 phải tiến bộ hơn năm 2020 chứ. Vì sao trong cùng một thể chế lại có nơi giải ngân cao, nơi giải ngân thấp?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Ông đề nghị làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, cốt lõi là gì, vì đến hết 10 tháng nhưng tỷ lệ giải ngân vẫn thấp. Theo Chủ tịch Quốc hội, doanh nghiệp, người dân đều mong muốn có gói kích thích mới, nhưng “toàn bộ số tiền chúng ta có chưa tiêu hết đây thì tiêu mới cái gì?".
“Nếu chúng ta không làm rõ được chuyện này, Quốc hội có chất vấn xong thì vẫn như vậy thôi, trách nhiệm nằm ở đâu phải nói cho rõ. Tình hình kiểm tra, giám sát và từng nguyên nhân vướng mắc chúng ta sẽ giải quyết thế nào chứ không thể nói chung chung được”, ông yêu cầu.
Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội quán triệt “không thể để tình trạng này kéo dài mãi, vì nền kinh tế đang rất thiếu vốn”.
Giải trình ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định vấn đề không phải ở luật pháp vì luật đã quy định rõ ràng, đầy đủ, phân cấp triệt để cho địa phương, không còn một vấn đề gì phải lên đến Trung ương. Bộ KHĐT cũng chỉ quản lý tổng hợp chung thông qua hệ thống công nghệ thông tin.
Tất cả vấn đề, theo ông Dũng, nằm ở việc tổ chức thực hiện, vì cùng một thể chế nhưng có nơi giải ngân cao vượt chỉ tiêu, có nơi lại rất thấp, chỉ 18%.
Nêu dự báo tỷ lệ giải ngân năm nay chỉ đạt 80-85%, ông Dũng đề nghị các địa phương, bộ ngành nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, không đổ cho pháp luật.
Về yếu tố lập kế hoạch không sát, ông Dũng thừa nhận việc này đúng. “Các địa phương, bộ ngành cũng thờ ơ, hoặc chưa làm hết trách nhiệm, đề xuất số vốn rất lớn và không giải ngân được”, ông Dũng nói và nhận một phần trách nhiệm của bộ vì nể nang, không làm hết trách nhiệm khi tổng hợp số vốn này và đưa lên trên.
Ông phân tích khi con số không sát thực hiện và lớn lên sẽ gây áp lực cho tỷ lệ giải ngân, dẫn đến tình trạng phải trả lại vốn, điều chuyển vốn. Một lần nữa, ông nhận một phần trách nhiệm trong rà soát kế hoạch vốn mà các bộ ngành, địa phương trình lên và cam kết khắc phục trong thời gian tới.
Ai chịu trách nhiệm?
Chưa nhận thấy vấn đề trách nhiệm trong chậm giải ngân vốn đầu tư công được rạch ròi, nữ đại biểu Hà Nội Vũ Thị Lưu Mai tiếp tục chất vấn Bộ trưởng KHĐT về việc này, vì khi đi giám sát, Trung ương nói trách nhiệm của địa phương, còn địa phương lại phản ánh trách nhiệm của địa phương.
“Dự án giao cho cơ quan nào thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Dự án của địa phương thì địa phương chịu trách nhiệm, dự án của Trung ương thì trách nhiệm thuộc về Trung ương”, là câu trả lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra. Bên cạnh đó, với các dự án của Trung ương triển khai tại địa phương, nếu cấu phần nào đã bàn giao cho địa phương thì địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Tiếp tục chuỗi tranh luận về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng những dự án nhóm A và trọng điểm quốc gia do bộ, ngành Trung ương thẩm định, nếu bộ trưởng nói chậm giải ngân do địa phương thì “tội nghiệp địa phương quá”.
Ông đề nghị làm rõ địa phương nào chậm thì xử lý trách nhiệm, nhưng bộ ngành Trung ương thẩm định chậm cũng phải làm rõ trách nhiệm.
Giải đáp tranh luận của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định thẩm quyền thẩm định các dự án nhóm A là của địa phương, còn với các dự án quan trọng quốc gia thì Bộ KHĐT thẩm định trình Thủ tướng.
“Cái nào chậm trên Bộ KHĐT hay Trung ương hãy cho chúng tôi biết, tôi đảm bảo Bộ luôn nỗ lực không để chậm một ngày, một giờ nào hết. Còn quy trình, thủ tục nhiều bước, lấy ý kiến nhiều cơ quan nên có thể khi tổng hợp lại bị chậm, chúng tôi xin rút kinh nghiệm và sẽ cố gắng”, ông Dũng nói.