Tranh luận nảy lửa về quyết định điều tra đẳng cấp dân số tại Ấn Độ
Đối với hàng trăm triệu người Ấn Độ, hệ thống đẳng cấp tồn tại hàng nghìn năm đã chi phối phần lớn cuộc sống hàng ngày, từ cơ hội làm việc, hẹn hò, trường học cho tới địa vị xã hội.

Chính phủ Ấn Độ từ lâu nhấn mạnh hệ thống phân cấp xã hội không có chỗ đứng tại nước này, khi quốc gia đông dân nhất thế giới cấm phân biệt đẳng cấp từ năm 1950.
Do đó, quyết định khảo sát đẳng cấp trong điều tra dân số sắp tới của chính phủ Thủ tướng Narenda Modi gây bất ngờ, bởi lần cuối Ấn Độ làm điều này là từ năm 1931.
Thông báo không nêu chi tiết về cách thu thập dữ liệu đẳng cấp hoặc thậm chí thời điểm điều tra dân số. Tuy nhiên, quyết định này đã làm sống lại cuộc tranh luận dai dẳng tại Ấn Độ: Điều tra hệ thống đẳng cấp sẽ hỗ trợ các nhóm yếu thế hay xoáy sâu vào chia rẽ xã hội?
Đề xuất này gây tranh cãi vì điều tra dân số theo đẳng cấp buộc “nhà nước phải đối mặt với những bất bình đẳng về mặt cấu trúc chính trị và xã hội”, Poonam Muttreja - Giám đốc điều hành Quỹ Dân số Ấn Độ - cho biết. “Thiếu dữ liệu về đẳng cấp trong thế kỷ qua đồng nghĩa chúng tôi đang mù quáng thiết kế các chính sách dù không rõ thực tế trong khi tuyên bố theo đuổi công lý xã hội. Vì vậy, cuộc điều tra dân số tiếp theo sẽ mang tính lịch sử”.
Hệ thống đẳng cấp là gì?
Hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ có nguồn gốc từ kinh sách Hindu. Theo truyền thống, dân số phân loại theo thứ bậc, xác định nghề nghiệp, nơi sinh sống và đối tượng kết hôn của một cá nhân dựa trên đẳng cấp của gia đình. Ngày nay, nhiều người Ấn Độ không theo đạo Hindu, nhưng cũng bị phân vào một số đẳng cấp nhất định.
Có một số đẳng cấp chính và hàng nghìn đẳng cấp phụ. Đẳng cấp Bà la môn - thường là tu sĩ, học giả - cao cấp nhất; tới Kshatriyas - vương công quý tộc và chiến binh; Vaishyas - thợ thủ công, thương nhân, nông dân; và Shudras - làm việc nặng nhọc.
Thấp nhất chính là Dalit, những cá nhân làm công việc dọn dẹp hay nhặt rác. Suốt nhiều thế kỷ, các đẳng cấp ở bậc thấp nhất - Dalit và người bản địa Ấn Độ - bị coi là "không trong sạch". Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn bị cấm vào nhà hoặc đền thờ của những đẳng cấp cao hơn, ăn uống bằng những dụng cụ riêng trong không gian chung.
Ấn Độ đã tìm cách xóa bỏ hệ thống này sau khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1947 với loạt thay đổi trong Hiến pháp. Ví dụ, chính quyền dành riêng 50% việc làm trong chính phủ và cơ sở giáo dục cho các đẳng cấp thiệt thòi, đồng thời bãi bỏ khái niệm “bất khả xâm phạm” và cấm phân biệt đẳng cấp.
“Sau khi giành độc lập, nhà nước tránh liệt kê đẳng cấp trong điều tra dân số”, bà Muttreja cho biết. “Họ nghĩ không nên đề cập tới đẳng cấp và mọi thứ sẽ tự cân bằng trong xã hội dân chủ”.

Hệ thống đẳng cấp của Ấn Độ có nguồn gốc từ kinh sách Hindu. Theo truyền thống, dân số phân loại theo thứ bậc, xác định nghề nghiệp, nơi sinh sống và đối tượng kết hôn dựa trên đẳng cấp của gia đình. Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, mong muốn này không thành hiện thực. Mặc dù ranh giới cứng nhắc phân chia đẳng cấp có phần mờ đi theo thời gian, đặc biệt ở khu vực thành thị, nhiều nghiên cứu chỉ ra vẫn còn khoảng cách lớn về mức độ giàu có, sức khỏe và trình độ học vấn giữa các đẳng cấp. Bà Muttreja nói thêm các đẳng cấp thiệt thòi nhất hiện có tỷ lệ mù chữ và suy dinh dưỡng cao hơn, nhận ít dịch vụ xã hội như chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Phân biệt xã hội cũng phổ biến. Ấn Độ chỉ có 5% hôn nhân khác đẳng cấp. Tình huống tương tự cũng tồn tại trong nhóm bạn bè, nơi làm việc và các không gian xã hội khác.
Những khoảng cách dai dẳng này thúc đẩy nhu cầu điều tra dân số theo đẳng cấp. Nhiều người cho rằng dữ liệu sẽ đảm bảo nguồn lực từ chính phủ liên bang và phân bổ đúng tới các đối tượng mục tiêu.
Ở một số bang như Bihar - một trong những bang nghèo nhất Ấn Độ, chính quyền địa phương đã tự khảo sát theo cách này, khiến lời kêu gọi chính phủ làm theo ngày càng lớn.
Tại sao điều tra đẳng cấp bây giờ?
Ông Modi từ lâu phản đối định nghĩa dân số theo các ranh giới đẳng cấp truyền thống. Ông từng tuyên bố bốn "đẳng cấp lớn nhất" là người nghèo, thanh niên, phụ nữ và nông dân, nên nâng cao vị thế của họ sẽ hỗ trợ phát triển toàn bộ đất nước.
Tuy nhiên, các đẳng cấp thấp ngày càng bất mãn, dẫn tới kết quả gây sốc trong bầu cử toàn quốc năm 2024. Mặc dù ông Modi có được nhiệm kỳ thứ 3, đảng BJP không giành được thế đa số trong Quốc hội.
Các đối thủ cho rằng việc điều tra dân số theo đẳng cấp là động thái chính trị nhằm củng cố sự ủng hộ cho đảng BJP trong bầu cử cấp bang sắp tới, đặc biệt ở Bihar. Khảo sát đẳng cấp của bang Bihar năm 2023 cho thấy có nhiều người thuộc các đẳng cấp thấp hơn so với suy nghĩ trước đây, dẫn tới cuộc chiến pháp lý yêu cầu tăng hạn ngạch cho nhóm yếu thế.
Một số bang khác cũng tự khảo sát, nhưng chính phủ liên bang cho rằng những khảo sát này "khác nhau về tính minh bạch và mục đích, với một số tiến hành từ góc độ chính trị, tạo ra sự nghi ngờ trong xã hội".

Tờ khảo sát đẳng cấp dân số ở Ấn Độ vào năm 2011. Ảnh: Sydney Morning Herald.
Đảng đối lập chính Congress tuyên bố khảo sát dữ liệu đẳng cấp là minh chứng cho thấy Thủ tướng Modi đã lùi bước trước áp lực từ họ. Trong khi đó, BJP khẳng định phe đối lập đã bỏ bê điều tra đẳng cấp trong thời gian cầm quyền và hiện chính trị hóa vấn đề này nhằm đạt mục đích riêng.
Chính phủ do Congress lãnh đạo trước đây từng khảo sát đẳng cấp toàn quốc vào năm 2011, nhưng chưa bao giờ công khai kết quả đầy đủ. Những người chỉ trích cáo buộc lần đó có bất thường về dữ liệu và phương pháp luận.
Mặc dù chính phủ chưa công bố thời điểm điều tra dân số mới, họ có đủ thời gian tinh chỉnh phương pháp luận và đảm bảo thu thập được thông tin quan trọng, Sonalde Desai - nhà nhân khẩu học tại Đại học Maryland College Park - nhận định.
Điều tra hoàn tất cũng là lúc khơi mào cho cuộc chiến tiếp theo: Cách sử dụng dữ liệu đó để định hình chính sách.
Tranh cãi
Không phải ai cũng ủng hộ điều tra dân số theo đẳng cấp.
Nhóm phản đối lập luận Ấn Độ nên tránh xa phân loại đẳng cấp thay vì hợp thức hóa hệ thống này, và đây là bước thụt lùi trên con đường tạo ra một xã hội vượt qua số phận được định nghĩa bởi đẳng cấp. Một số người tin rằng thay vì tập trung vào đẳng cấp, chính phủ có thể ưu tiên đối tượng yếu thế dựa trên các tiêu chí khác như giai cấp kinh tế - xã hội, bà Desai nói.
Ngoài ra, nếu rơi vào trường hợp giống bang Bihar, chính phủ có thể sẽ tăng hạn ngạch tuyển dụng nhóm yếu thế, khiến một số đẳng cấp truyền thống vốn có đặc quyền tức giận. Một số lãnh đạo phe đối lập đã kêu gọi xóa bỏ giới hạn 50% hạn ngạch tuyển dụng trong nhà nước và thay thế ở lĩnh vực tư hay ngành tư pháp.
Tuy nhiên, phe ủng hộ - như bà Muttreja và Desai - cho rằng điều tra theo cách này không chia rẽ xã hội Ấn Độ thêm nữa, bởi hệ thống đẳng cấp vốn đã ăn sâu vào cuộc sống đến mức chỉ một câu hỏi thôi cũng không ảnh hưởng quá nhiều.
Bà Desai nhận định dữ liệu mới có thể vẽ nên bức tranh về sự thay đổi trong cán cân quyền lực và đặc quyền trong thế kỷ qua. Kể từ điều tra dân số năm 1931, một số đẳng cấp thấp có khả năng đã được đối xử công bằng hơn, trong khi các đẳng cấp cao hơn có thể không còn hưởng nhiều đặc quyền nữa.
Trong khi đó, theo bà Muttreja, điều tra dân số cung cấp cái nhìn thực tế về những nhóm cần hỗ trợ, thay vì dựa vào dữ liệu cũ. Những vấn đề phức tạp chồng chéo cũng có thể lộ rõ, ví dụ như phụ nữ ở vùng nông thôn Ấn Độ liệu có gặp nhiều khó khăn hơn so với đàn ông cùng đẳng cấp ở nông thôn hoặc so với phụ nữ cùng đẳng cấp ở thành thị. Và liệu có đẳng cấp nào ngày càng đông, đòi hỏi cần nhiều nguồn lực hơn so với số tiền đang được phân bổ.
Bà Muttreja tin rằng khi nắm dữ liệu trong tay, chính phủ sẽ buộc phải hành động. Còn với những người phủ nhận tình trạng phân biệt đẳng cấp vẫn còn tồn tại, hoặc cho rằng ưu tiên tuyển dụng không còn cần thiết, “dữ liệu này như một cú tát trực diện", bà kết luận.