Tranh luận Pence - Harris khác gì tranh luận Trump - Biden?

Cuộc tranh luận giữa ông Pence và bà Harris khó tạo ra ảnh hưởng đáng kể lên kỳ bầu cử tổng thống Mỹ nói chung.

Tối 7-10 (giờ địa phương, tức sáng 8-10 theo giờ Việt Nam), Phó Tổng thống Mike Pence đã có cuộc tranh luận trực tiếp với ứng viên đại diện đảng Dân chủ tranh cử vị trí này - nữ thượng nghị sĩ Kamala Harris trong khuôn khổ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020.

Trong 90 phút, ông Pence và bà Harris cùng tranh luận các chủ đề tương tự như cuộc tranh luận giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên Joe Biden tuần trước: COVID-19 ở Mỹ, kinh tế, bạo lực sắc tộc, chính sách đối ngoại, tính toàn diện của tiến trình bầu cử.

Nhìn chung, cuộc “so găng” Pence - Harris được đánh giá là văn minh và rõ ràng hơn lần đối đầu giữa ông Trump và ông Biden nhưng cũng không kém phần quyết liệt.

Ông Pence chỉ trích phe Dân chủ “mượn đồ người khác”

Về COVID-19, hai ứng viên được yêu cầu đánh giá tổng thể cách xử lý đại dịch của chính quyền ông Trump và đề xuất phương án thay thế nếu có. Bà Harris cho rằng việc để hơn 200.000 người Mỹ tử vong và nền kinh tế bị tàn phá nặng nề là một “thất bại lớn nhất của một chính quyền trong lịch sử” vì ông Trump không đưa ra được kế hoạch chống dịch rõ ràng. Bà còn khẳng định nếu ông Biden là tổng thống thì ông ấy đã tập trung mọi nỗ lực vào truy vết những người từng tiếp xúc với bệnh nhân để cách ly tập trung và tăng cường nghiên cứu điều chế vaccine, đảm bảo vaccine được cung cấp miễn phí cho mọi người.

Ông Pence lập tức phản pháo, khẳng định đề xuất của bà Harris hoàn toàn là “sao chép” chiến lược hiện tại của Nhà Trắng và thậm chí đây còn không phải là lần đầu tiên ông Biden “mượn đồ người khác”. Trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm 1988, ông Biden từng phải tuyên bố rút lui sau khi bị phát hiện đạo nội dung diễn văn của một chính trị gia người Anh Neil Kinnock. Ông Pence khẳng định chính quyền ông Trump đã hành động “rất chính xác và kịp thời” khi ban hành lệnh cấm công dân từ những vùng có dịch nhập cảnh vào Mỹ từ cuối tháng 1. Chính quyền cũng luôn minh bạch thông tin với người dân khi liên tục tổ chức các buổi họp báo định kỳ về tình hình dịch.

Ông Pence cũng gay gắt chỉ trích bà Harris “làm xói mòn niềm tin của người dân vào vaccine” và yêu cầu bà “đừng lấy tính mạng người khác ra chơi trò chính trị” sau khi ứng viên này tuyên bố sẽ không tiêm bất kỳ loại vaccine COVID-19 nào mà ông Trump khuyến khích nếu chưa được giới khoa học chấp nhận.

Về chính sách đối ngoại, cả hai ông bà đều đồng ý rằng quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong lịch sử nhưng lại có cách giải thích khác nhau về vấn đề này. Đối với bà Harris, chính chủ trương đối đầu tiêu cực cùng việc khơi mào thương chiến với Trung Quốc đã khiến người dân Mỹ mất việc làm, còn vị thế dẫn đầu của nước này trên trường quốc tế bị suy yếu. Theo bà Harris, Mỹ “đang trên bờ vực suy thoái kinh tế do hậu quả mà cuộc thương chiến gây ra” và Mỹ “mới là bên thua cuộc trong cuộc chiến này”.

Đáp trả, ông Pence nói bản thân ông Biden chưa bao giờ phải đối đầu với Trung Quốc như ông Trump, thậm chí trong thời gian ông Biden làm phó tổng thống còn có một số động thái thân Bắc Kinh.

Thượng nghị sĩ Kamala Harris (trái) và Phó Tổng thống Mike Pence (phải) trong cuộc tranh luận ở bang Utah, Mỹ tối 7-10. Ảnh: REUTERS

Thượng nghị sĩ Kamala Harris (trái) và Phó Tổng thống Mike Pence (phải) trong cuộc tranh luận ở bang Utah, Mỹ tối 7-10. Ảnh: REUTERS

Hai ứng viên cũng rất khác biệt trong quan điểm về cách nước Mỹ dưới thời ông Trump đối xử với các đồng minh và đối tác trên toàn cầu. Ông Pence thì cho rằng Mỹ thời gian qua đã sát cánh và hỗ trợ hết mình các nước khác, đồng thời cũng thuyết phục các đồng minh phải đóng góp nhiều hơn vào chi phí quân sự chung nhờ lập trường cứng rắn của ông Trump. Ngược lại, bà Harris chỉ trích ông Trump đã “phản bội” những đồng minh lâu năm khi tấn công bất kỳ nước nào ông cho rằng có hại cho lợi ích quốc gia Mỹ và có nhiều hành động thân thiết với những nước lâu nay đối đầu với Mỹ như Triều Tiên hay Nga.

Về những chủ đề còn lại, hai đối thủ chủ yếu lặp lại những gì ông Trump và ông Biden đã đề cập trong buổi tranh luận tuần trước nhưng với phong thái lịch sự hơn, ít cắt ngang lời đối thủ. Một việc đáng tiếc khác là điều phối viên hầu như không đi sâu vào vấn đề sức khỏe của ông Trump. Trong khi đó, ông Pence khi được chất vấn sẽ làm gì nếu ông Trump từ chối chuyển giao quyền lực hòa bình nếu không đắc cử thì lại lảng tránh câu hỏi, mà chỉ tuyên bố đơn giản là đương kim tổng thống nhất định sẽ chiến thắng vào tháng 11 tới.

Khác với tranh luận tổng thống, vốn sẽ còn hai đợt nữa vào ngày 15 và 22 tới, cuộc tranh luận phó tổng thống chỉ diễn ra một lần.

Pence - Harris: Hai thái cực khác nhau

Nhìn từ màn thể hiện của hai ứng viên phó tổng thống có thể thấy rõ ràng hai thái cực riêng biệt, đại diện cho hai cách làm chính trị khác nhau. Về phía ông Pence, mặc đối thủ tấn công dồn dập trên nhiều vấn đề, ông đã thể hiện thành công mình là một chính khách dày dạn kinh nghiệm khi liên tục đưa ra những lập luận hợp lý để chống trả, đồng thời bảo vệ được ông Trump khỏi những phát ngôn hớ hênh. Ông cũng ít phải dùng tới việc chỉ trích cá nhân ông Biden và bà Harris. Hãng tin Reuters nhận xét ông Pence thật sự là “một sứ giả truyền tin” đắc lực khi biết tận dụng kinh nghiệm hoạt động chính trị để truyền tải thông điệp, chính sách của ông Trump một cách dễ thuyết phục người nghe hơn phong cách đao to búa lớn của chủ nhân Nhà Trắng.

Trong khi đó, bà Harris rất xứng đáng với những lời khen rằng bà là đại diện hàng đầu cho thế hệ lãnh đạo trẻ tương lai của đảng Dân chủ. Lần đầu tiên tham gia tranh luận ở cấp quốc gia, bà Harris nhìn chung làm tốt vai trò trong chiến dịch tranh cử của ông Biden khi cân bằng được giữa việc chỉ trích chính quyền ông Trump và đưa ra kế hoạch, tầm nhìn của ông Biden nếu ông trở thành tổng thống, cùng những công việc mà bà sẽ hỗ trợ ông Biden trong thời gian tới.

Ngoài ra, cũng có thể xem cuộc tranh luận giữa ông Pence và bà Harris là một bài thử nghiệm bởi rất có thể hai người này sẽ ra tranh cử tổng thống chính thức vào năm 2024. Họ phải sử dụng diễn đàn này để trấn an dư luận, cũng như cho thấy đã chuẩn bị sẵn sàng và có khả năng gánh vác trách nhiệm lãnh đạo đất nước.

Dù vậy, tờ The New York Times cho rằng những nội dung mà hai bên đưa ra không có tính đột phá như mong đợi mà vẫn còn hơi phụ thuộc vào những gì mà ông Trump và ông Biden đã trao đổi. Ông Pence và bà Harris cũng không đưa ra được luận điểm nào thật sự sắc bén để hạ gục đối thủ. Do đó, kết quả cuộc “so găng” này sẽ khó thay đổi được quỹ đạo chung của kỳ bầu cử.

Ruồi đậu vào tóc ông Pence, cộng đồng mạng dậy sóng

Vào khoảng nửa thời gian tranh luận với thượng nghị sĩ Kamala Harris, một con ruồi bất ngờ đậu lên tóc của Phó Tổng thống Mike Pence trong suốt 2 phút ông phát biểu. Do tóc ông màu trắng nên con ruồi càng nổi bật hơn.

Hãng tin Bloomberg sau đó cho đăng tải một video quay lại khoảnh khắc với tiêu đề “Ai thắng cuộc tranh luận phó tổng thống này? Chính là con ruồi trên đầu ông Pence”. Nhiều hãng truyền thông của Mỹ tường thuật về buổi tranh luận như NBC, The Hill, CNBC cũng không bỏ lỡ khoảnh khắc này.

Trên mạng xã hội Twitter, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden thậm chí còn đăng ảnh cầm một cái cây đập ruồi để trêu ông Pence. Nhiều bình luận trên mạng còn gợi lại chuyện cách đây bốn năm, một con ruồi cũng từng lảng vảng trên mặt ứng viên tổng thống đảng Dân chủ năm 2016 là bà Hillary Clinton.

VĨ CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/tranh-luan-pence-harris-khac-gi-tranh-luan-trump-biden-942819.html