Tranh luận trái chiều về xe ôm công nghệ lạng lách, dẹp đường cho xe cứu thương
Trước hình ảnh trong một clip xuất hiện trên mạng về tài xế xe công nghệ chạy xe máy mở đường cho xe cứu thương ở TPHCM, nhiều người cho rằng đây là hành động tốt, đáng trân trọng nhưng không nên khuyến khích.
Vừa qua, trên các diễn đàn giao thông xuất hiện đoạn video dài hơn 3 phút, ghi lại cảnh một tài xế GrabBike dẹp đường cho xe cứu thương tại TPHCM.
Đoạn clip được quay từ xe cứu thương, tiếng kêu trên xe cho thấy người đang được cấp cứu có thể đang bị thương rất nặng, đang trên đường đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.
Trong khi đó, đường rất đông, dù tiếng còi hú rất to để xin đường nhưng vẫn di chuyển rất chậm chạp. Hình ảnh phía trước xe là người mặc áo Grabbike đi phía trước xe cấp cứu, liên tục đưa tay sang bên trái, rồi bên phải xin nhường đường. Tài xế liên tục ngoái nhìn về phía sau và ra hiệu hỏi xem lái xe cấp cứu đi hướng nào.
Được biết, tài xế GrabBike trong đoạn clip nói trên là anh Đ. Đ. Tr. (30 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM). Phía sau hành động này, tài xế mong muốn người tham gia giao thông nâng cao ý thức tự giác khi nghe tiếng còi xe cấp cứu, xe ưu tiên nhường đường, để cấp cứu người bị nạn.
Đoạn video lập tức gây chú ý trên các diễn đàn giao thông với lời khen về hành động đẹp, cứu người khác bất chấp mình gặp nguy hiểm của tài xế. Nhiều tài khoản facebook đã gửi lời cảm ơn lòng tốt, tỏ ra thán phục trước hành động nghĩa hiệp của tài xế Grabbike. Cùng với đó, cư dân mạng cũng bày tỏ sự thất vọng với ý thức tham gia giao thông, khi nhiều người không nhường, thậm chí còn tranh giành đường với xe cứu thương.
Tuy nhiên, một số người tỏ ra không đồng tình vì cho rằng hành động của tài xế này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho bản thân tài xế này và những người xung quanh. Trong clip có nhiều đoạn ghi lại hình ảnh tài xế này chạy xe máy một tay, đánh võng, lấn làn, vượt đen đỏ để mở đường.
Luật sư Nhâm Mạnh Hà, Cty Luật TNHH Luật Gia Vũ cho rằng, việc tài xế có ý thức đối với việc cấp cứu là tốt, đáng trân trọng nhưng không nên khuyến khích.
Xét về góc độ pháp luật, theo quy định (tại Điều 22 Luật Giao thông đường bộ) xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là xe ưu tiên nên các xe khác trên đường phải có nghĩa vụ nhường đường. Xe cứu thương cũng có đủ các thiết bị, công cụ như còi hú, đèn nhấp nháy nhằm báo hiệu cho người và phương tiện đang lưu thông nhường đường.
“Hơn nữa, việc mở đường của tài xế đã có nguy cơ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông: Việc đánh võng, lấn làn ngược chiều và vượt đèn đỏ đã vi phạm quy định của luật Giao thông đường bộ (quy định tại khoản 11 Điều 8 về các hành vi bị cấm: Điều khiển xe cơ giới chạy quá tốc độ quy định, giành đường, vượt ẩu và điểm e Khoản 3 Điều 30: Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông)”, - LS Hà phân tích.
Đoạn clip về sự việc lan truyền trên mạng xã hội