Tranh luận Trump-Biden còn được mong đợi hơn cả Trump-Clinton năm 2016

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa Trump-Biden có thể được theo dõi nhiều hơn cuộc tranh luận giữa Trump-Clinton và có khả năng quyết định cho cuộc đua về sau.

Các cuộc tranh luận giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dự kiến bắt đầu vào ngày 29/9 tại Cleverland, Ohio, và cuộc tranh luận cuối cùng dự kiến diễn ra vào ngày 22/10 ở Nashville, Tennessee. Phó Tổng thống Mike Pence và đối tác liên danh tranh cử của ông Biden, bà Kamala Harris, sẽ tranh luận tại Salt Lake, Utah ngày 7/10.

Cuộc tranh luận đầu tiên giữa ông Trump và Biden được đánh giá là thu hút sự chú ý lớn, trong bối cảnh có tin đồn cho rằng ứng viên đảng Dân chủ có thể sẽ không xuất hiện.

Ứng viên Joe Biden và đương kim Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Ứng viên Joe Biden và đương kim Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Hai ứng viên Trump và Biden sẽ làm gì trong cuộc tranh luận?

6 chủ đề người điều phối cuộc tranh luận đầu tiên, người dẫn chương trình “Fox News Chủ nhật” Chris Wallace lựa chọn có thể bao gồm: hồ sơ của ông Trump và ông Biden; vấn đề bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Tối cao gây tranh cãi sau cái chết của Thẩm phán Ruth Ginsburg, đại dịch Covid-19, sự bất ổn của nền kinh tế Mỹ, các cuộc biểu tình bạo lực sau cái chết của người đàn ông Mỹ gốc Phi George Floyd, và “tính nguyên vẹn của cuộc bầu cử”.

Eric S. Heberlig, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Bắc Carolina cho rằng, cuộc tranh luận giữa Tổng thống Trump và ứng viên Joe Biden năm nay được định hình bởi 3 yếu tố:

Thứ nhất, Tổng thống Trump đang thua trong các cuộc thăm dò dư luận và cần phải làm tốt trong các cuộc tranh luận để thay đổi động lực của chiến dịch.

Thứ hai, vì ông Trump là đương kim Tổng thống, rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra về hiệu quả lãnh đạo cũng như các quyết định của ông trên cương vị người đứng đầu nước Mỹ. Điều này có thể đặt ông Trump vào thế phòng thủ và tạo cơ hội tấn công cho ứng viên Joe Biden.

Thứ ba, ông Trump đang cố “xoáy” vào vấn đề tuổi tác và sức khỏe của đối thủ Biden. Nếu ông Biden thể hiện một cách “điêu luyện” – không theo cách cố tình để gây chú ý – mọi người có thể kết luận rằng ông đã thắng cuộc tranh luận vì sự thể hiện của ông vượt mọi kỳ vọng.

“Ông Trump sẽ cố gắng công kích vấn đề tuổi tác và sức khỏe của ông Biden tương tự như đã từng làm với bà Clinton năm 2016. Ông Trump sẽ cố gắng lái cuộc tranh luận khỏi đại dịch – vấn đề mà các cuộc thăm dò dư luận cho rằng ông đang làm không tốt”, theo David Schultz, một giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Hamline.

Đương kim Tổng thống Mỹ cũng có khả năng chớp lấy cơ hội để “xoáy” ông Biden Biden với các vấn đề Black Lives Matter và bạo lực, bạo loạn và phá hoại phong trào cảnh sát, theo ông Schultz.

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Về phần ông Biden, giáo sư Schultz cho rằng cựu Phó Tổng thống rất có thể sẽ tấn công cách xử lý của Tổng thống về vấn đề đại dịch, nền kinh tế, vấn đề nạo, phá thai hay chăm sóc sức khỏe.

Theo giáo sư Schultz, vấn đề thắng-thua ở cuộc tranh luận đầu tiên vẫn rất khó đoán. Các cuộc thăm dò hiện nay cho thấy ứng viên Biden đang dẫn trước với cách biệt đáng kể khi xét về lá phiếu phổ thông, tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ xét về phiếu đại cử tri ở các bang dao động lại sít sao hơn nhiều, mặc dù một số người cho rằng ông Biden có gần 80% cơ hội đắc cử trên cuộc thăm dò hiện tại.

Vì sao cuộc tranh luận giữa Trump và Biden đáng chú ý?

Có nhiều tranh cãi xung quanh sự kiện được mong đợi sắp tới, đặc biệt là khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi tuyên bố hồi tháng 8 vừa qua rằng bà nghĩ không nên có bất kỳ cuộc tranh luận nào. Điều này làm gia tăng nghi ngờ về sức khỏe của ông Biden.

Mặc dù chiến dịch tranh cử của Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng cựu Phó Tổng thống sẽ chấp nhận các cuộc tranh luận, nhưng bà Pelosi vẫn giữ lập trường về cuộc tranh luận.

“Tại sao [mọi người] phải quan tâm? [Trump] không nói sự thật”, bà Pelosi nói với chương trình “This Morning” của CBS ngày 25/9.

“Nếu cựu Phó Tổng thống Joe Biden chấp nhận lời mời tranh luận với Tổng thống Trump, thì các cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên tổng thống, và đặc biệt là cuộc tranh luận đầu tiên, rất có thể sẽ là ‘trận chiến’ lớn nhất trong lịch sử chính trị Mỹ - cả bên trong và bên ngoài hội trường”, ông Scott Bennett, một cựu sĩ quan và nhà phân tích chính trị tại Mỹ nhận định.

Theo ông Schultz, cuộc tranh luận đầu tiên giữa Trump-Biden có thể được theo dõi nhiều hơn cuộc tranh luận giữa Clinton-Trump năm 2016 và có khả năng quyết định cho cuộc đua về sau, bởi khán giả Mỹ sẽ chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất, cũng như những sai sót của mỗi ứng viên.

Ông Schultz nhấn mạnh: “Ngay cả khi nước Mỹ đang phân cực và ít dao động tâm trí, cuộc tranh luận này vẫn rất quan trọng. Một trong những điều mà cả 2 ứng cử viên cần nghĩ tới là xây dựng hình ảnh hay đặc trưng riêng để có thể quyết định đến cuộc bầu cử sắp tới”, Schultz nhấn mạnh.

Dù vậy, theo giáo sư Heberlig tại Đại học Bắc Carolina: “Hầu hết người xem không bị thuyết phục bởi cuộc tranh luận. Họ đánh giá người chiến thắng là ứng cử viên mà họ yêu thích”.

Kennedy, Carter và Reagan: Các cuộc tranh luận giúp đem lại chiến thắng

“Suốt 60 năm qua, các cuộc tranh luận giữa 2 ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ luôn là sự kiện chính trị quan trọng trong các cuộc bầu cử. Cuộc tranh luận nổi tiếng năm 1960 giữa Nixon và Kennedy đã mở ra kỷ nguyên truyền hình của nền chính trị Mỹ”, ông Schultz nhớ lại và nhấn mạnh rằng những sự kiện này thường tạo ra những câu thoại, những hình ảnh trực quan hoặc những hình ảnh đáng nhớ mà có lẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc bầu cử tổng thống.

John Kennedy. Ảnh: AP

John Kennedy. Ảnh: AP

Trở lại năm 1960, các nhà quan sát chính trị cho rằng Richard Nixon đã nhường cơ hội lớn cho đối thủ đảng Dân chủ của ông, John Kennedy, một phần vì Kennedy xuất hiện với diện mạo chỉn chu trong các cuộc tranh luận, trong khi Nixon trông có vẻ nhợt nhạt vì không trang điểm và đổ mồ hôi rõ rệt.

“Trong khi nhiều người cho rằng Nixon đã thắng trong cuộc tranh luận về nội dung, nhưng diện mạo của Kennedy đã phát huy tác dụng tốt trên truyền hình và một số người cho rằng nó có tính quyết định trong chiến thắng của ông”, theo ông Schultz.

Cuộc tranh luận giữa Gerald Ford và Jimmy Carter năm 1976 cũng tương tự như vậy.

Đương kim Tổng thống khi đó, Gerald Ford, đã phạm sai lầm lớn. Khi nói rằng những nước như Ba Lan là những nước độc lập, và “chính phủ Mỹ không cho đó là những nước bị Liên Xô kiểm soát”. Điều này khiên nhiều người cho rằng Ford có vẻ “ngây thơ” hoặc chưa sẵn sàng trở thành tổng thống.

Tuy nhiên trong cuộc tranh luận năm 1980, giáo sư Schultz cho rằng, ứng viên Ronald Reagan đã làm tốt hơn đương kim Tổng thống khi đó là Jimmy Carter trong một cuộc tranh luận bằng cách hỏi công chúng Mỹ liệu mọi thứ có tốt hơn 4 năm trước không, đặc biệt là khi nói về tình trạng ảm đạm của nền kinh tế vào thời điểm đó.

“Vào năm 1992, đương kim Tổng thống George HW Bush thất bại trong cuộc tranh luận trực tiếp với Bill Clinton. Ông Bush đã bị bắt gặp xem đồng hồ trong lúc một khán giả đặt câu hỏi về tác động của nọ công cũng như suy thoái kinh tế đối với cuộc sống cá nhân của các ứng cử viên. Điều này đã khiến ông bị mất điểm trước các cử tri Mỹ./.

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tranh-luan-trump-biden-con-duoc-mong-doi-hon-ca-trump-clinton-nam-2016-781843.vov