Tranh luận về 2 phương án cho đơn vị nước ngoài khi quay phim tại Việt Nam
Góp ý cho dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), các đại biểu cho rằng phương án buộc các đơn vị nước ngoài muốn quay phim bối cảnh Việt Nam phải cung cấp kịch bản đầy đủ là khó khả thi.
Hội thảo góp ý cho dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức đã diễn ra chiều 25-4.
Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.
Một trong hai vấn đề trọng tâm cần góp ý là phần b, mục 2, điều 13 về việc cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Hiện có hai phương án được đưa ra thảo luận, chờ góp ý.
Phương án 1 là phía đơn vị xin phép sẽ cung cấp kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt. Phương án 2 là đơn vị xin phép phải đưa kịch bản phim bằng tiếng Việt.
Vấn đề còn lại là giữ việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tại điều 42, 43, 44 hay bỏ hẳn điều 42, 43, 44 khỏi luật.
Tại hội thảo, ông Trang Thanh Phương, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, cho rằng phương án 1 là hợp lý đối với phần b, mục 2, điều 13. Ông cũng chọn việc giữ lại điều 42, 43, 44 về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Ông Phạm Minh Hải, đại diện Sở Tài chính TP HCM, góp ý nên cân nhắc về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Bà Trần Thị Cúc, đại diện Công ty Cổ phần Truyền thông Điện ảnh Sài Gòn, đồng thuận phương án 1 đối với phần b, mục 2, điều 13 và cho rằng nên cân nhắc về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Theo bà, các đơn vị nước ngoài không muốn phổ biến kịch bản trước khi phim được sản xuất nên phương án 1 thuận lợi hơn.
Trong khi đó, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP HCM, nhận định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh là cần thiết.
Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý một số vấn đề về bảo hiểm tai nạn cho diễn viên, giải thích từ ngữ phù hợp, về mở rộng thẩm quyền cấp phép phân loại phim…
"Ở điều 13, tất cả đều chọn phương án 1 nhưng có điều chỉnh đôi chút để thuận lợi cho đơn vị đối tác nước ngoài có tổ chức sản xuất phim ở tại Việt Nam. Đối với Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, các đại biểu cũng đề nghị cân nhắc để làm sao nếu luật quy định cần triển khai thực hiện. Thực chất, điện ảnh Việt Nam cần có nguồn quỹ, nguồn lực để hỗ trợ cho các nhà làm phim trẻ hoạt động, công tác đào tạo bởi nguồn lực ngân sách hạn chế. Do đó, nếu có được nguồn quỹ này và nguồn quỹ hoạt động tốt sẽ hỗ trợ, phát triển điện ảnh tốt hơn trong thời gian tới" – bà Văn Thị Bạch Tuyết tổng kết.