Tranh luận về giá trị mạng sống con người
Khác biệt giữa phản ứng giải cứu hai con tàu gặp nạn (tàu di cư Hy Lạp và tàu ngầm Titan) đã làm dấy lên cuộc tranh luận ở Pakistan, cũng như sự phẫn nộ của những người thân nạn nhân về giá trị mạng sống con người.
Anh Anees Majeed (người đã mất 5 người thân trong chiếc thuyền bị chìm ngoài khơi Hy Lạp vào ngày 14/6), cảm thấy tức giận trước nỗ lực giải cứu, trị giá hàng triệu USD cho 5 người đàn ông bị mất tích trên biển vào tuần trước.
Giống như hàng ngàn người khác trên khắp Pakistan, anh Majeed buộc phải dự những đám tang mà không có thi thể để chôn cất. Bộ trưởng Nội vụ, ông Rana Sanaullah, xác nhận hôm thứ Sáu (23/6) rằng, ít nhất 350 công dân Pakistan đã ở trên chiếc thuyền quá tải.
Có rất ít hy vọng rằng những người anh em họ của anh Majeed sẽ được tìm thấy hoặc đưa về nhà. Gia đình họ đang dằn vặt sau khi nhiều bằng chứng mới xuất hiện cho thấy, chính quyền châu Âu biết con thuyền gặp nạn nhưng không đã can thiệp kịp thời.
Tuy nhiên, khi họ bắt đầu để tang, một nhiệm vụ diện rộng, liên quan đến tàu thuyền từ nhiều quốc gia hướng đến người đàn ông, cũng bị lạc dưới đáy đại dương, nhưng trong một chuyến đi mà họ đã chọn như một cuộc phiêu lưu, không phải vì họ buộc phải thực hiện trong tuyệt vọng.
Hai trong số họ cũng là công dân Pakistan, nhưng thuộc tầng lớp xã hội đối lập với anh em họ của anh Majeed – doanh nhân Shahzada Dawood và cậu con trai 19 tuổi Suleman.
Sự tương phản giữa hai thảm kịch trên biển, quy mô nỗ lực giải cứu và phản ứng của giới truyền thông toàn cầu đối với cả hai câu chuyện đã khuấy động cuộc tranh luận ở Pakistan về sự bất bình đẳng quốc gia và quốc tế, cũng như các giá trị khác nhau đặt lên mạng sống con người.
“Chúng tôi rất sốc khi biết rằng hàng triệu đô la sẽ được chi cho nhiệm vụ giải cứu này. Họ đã sử dụng tất cả các nguồn lực và tin tức về cuộc tìm kiếm này không bao giờ ngừng cập nhật. Nhưng họ không buồn tìm kiếm hàng trăm người Pakistan và những người khác ở trên chiếc thuyền Hy Lạp”, anh Majeed nói.
“Không phải lỗi của năm người đàn ông mà hàng trăm người thiệt mạng ngoài khơi bờ biển Hy Lạp. Nhưng đó là lỗi của một hệ thống với sự chênh lệch giai cấp quá lớn”, một nhà báo của một tờ báo lớn của Pakistan, người yêu cầu được giấu tên, giải thích. Theo bà, việc đưa tin về cái chết của những người di cư cũng có thể đã bị hạn chế bởi truyền thông địa phương, do sự mệt mỏi sau khi báo cáo nhiều năm ròng về bạo lực và thiên tai ở quê nhà.
Tuy nhiên, quy mô của thảm kịch Địa Trung Hải là điều chưa từng nghe tới. Ông Sanaullah cho biết, với hơn 300 người thiệt mạng, con số này vượt qua bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào trong lịch sử đất nước. Các nhà chức trách Pakistan đã bắt giữ 14 nghi phạm liên quan đến cáo buộc buôn người và đất nước đã có một ngày quốc tang. Tuy nhiên, điều đó không mấy an ủi đối với những người thân vẫn đang đau buồn.
Anh Abdul Karim, 36 tuổi, chủ cửa hàng ở một ngôi làng ở Kashmir, đã mất một người anh họ và chú trên thuyền. “Thật đáng buồn khi một chiếc tàu ngầm chở 5 người giàu có lại được quan tâm, chú ý và ưu tiên hơn nhiều so với những người di cư trên chiếc thuyền Hy Lạp. Hàng triệu đô la phải được chi để giải cứu người giàu, nhưng những người nghèo thì không có cơ hội như vậy. Ngay cả chính phủ Pakistan cũng không chú ý đến vấn đề này”, anh nói.
Ông Arsalan Khan, giáo sư nhân chủng học tại Đại học Union, New York (Mỹ) cho biết, việc đưa tin dày đặc trên các phương tiện truyền thông ở Pakistan và thế giới về gia đình Dawood đã mang lại cho họ sự nhân tính mà những người đã chết ở Địa Trung Hải không nhận được.
“Những khác biệt như vậy tạo ra ấn tượng rằng những người trong tàu ngầm Titan mới xứng đáng được đồng cảm và thương xót hơn”, giáo sư nói thêm, chúng làm nổi bật những giá trị bất bình đẳng mà xã hội và chính phủ gán cho mạng sống những con người khác nhau, một cách có ý thức hoặc vô thức.
Những cải thiện về an toàn có thể ngăn chặn một thảm họa khác như vụ nổ Titan, nhưng dòng người đổ về châu Âu trên những con tàu không đảm bảo khó có thể dừng lại nếu không có những thay đổi sâu sắc đối với hệ thống kinh tế mà đã khiến hàng trăm người đánh cược và đánh mất mạng sống của họ, trên hành trình mà họ biết là cực kỳ nguy hiểm.
“Tôi biết chắc một điều: những người nghèo sẽ lại tiếp tục hành trình chết chóc này vì họ đang sống trong cảnh khốn cùng ở Pakistan và điều kiện kinh tế không thể chịu đựng được. Các chính phủ nên làm tốt hơn để ngăn chặn điều này, hơn là để họ chết đuối ngoài biển khơi”, anh Majeed nói.
Chiếc thuyền chở 750 người di cư trước khi chìm ngoài khơi bờ biển Hy Lạp.
.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tranh-luan-ve-gia-tri-mang-song-con-nguoi-post1547798.tpo