Tranh luận về thời điểm xác định thiệt hại: 'Không thể để xảy ra chuyện bán đi 1 mặt bằng là đã có lời'
Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí nêu quan điểm, xác định thời điểm là hết sức quan trọng. 'Xác định thiệt hại ở thời điểm khởi tố vụ án hay là thời điểm tội phạm xảy ra là vấn đề phải suy nghĩ. Thực tiễn, bất động sản lên giá rất nhanh, chỉ 5-7 năm lên 5-10 lần. Tội phạm xâm hại hay chiếm đoạt 10 mặt bằng, nếu tính thời điểm hành vi phạm tội cách đây 10 năm, chỉ cần bán 1 mặt bằng thôi còn lại lãi 9 mặt bằng...'.
Phát biểu tại nghị trường chiều 21-11, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cảm ơn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (TANDTC) đã giải đáp ý kiến của cử tri Đà Nẵng mà ĐB phản ánh trong phiên họp sáng 20-11, song bày tỏ không đồng tình với nhận định của Chánh án cho rằng “không thể căn cứ vào ý kiến phát biểu tại hội trường hay là của ai đó mà xem xét lại (vụ án liên quan đến 3 tài sản Nhà nước tại Đà Nẵng - PV)”.
Tóm tắt lại việc này, ĐB Kim Thúy nêu rõ, qua phát biểu hồi đáp của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, bà nhận thức rằng, Hội đồng thẩm phán TANDTC đã có nghị quyết hướng dẫn xác định hậu quả tại thời điểm xảy ra hành vi phạm tội. Những vụ án xảy ra trước khi có nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TANDTC mà trái với nghị quyết của Hội đồng thẩm phán thì sẽ xem xét lại.
“Tôi tin chắc rằng tất cả cử tri được nghe những lời khẳng định của Chánh án sẽ giải tỏa được bức xúc bấy lâu nay, thêm tin tưởng vào sự công minh, khách quan trong xét xử”, bà Kim Thúy nói.
Tuy nhiên, ĐB cho biết, “không thể hiểu ý Chánh án trong phần cuối của lời giải đáp”, theo đó người đứng đầu TANDTC khẳng định, việc xem xét lại một vụ án có điều kiện và điều kiện được ghi trong luật. Tòa án không thể căn cứ vào ý kiến phát biểu tại hội trường hay là của ai đó mà xem xét lại vụ án, việc này không đúng trình tự tố tụng.
ĐB nói rõ, bà không hề can thiệp vào trình tự tố tụng của tòa án, mà chỉ phản ánh ý kiến của cử tri về việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất trong xét xử 2 vụ án cùng liên quan đến 3 tài sản Nhà nước tại Đà Nẵng để làm rõ 3 vấn đề.
Cụ thể là vì sao Tòa án lại áp dụng không thống nhất việc xác định trị giá tài sản thiệt hại đối với 3 tài sản Nhà nước ở 2 vụ án tôi nêu? Quyết định Giám đốc thẩm số 14 khẳng định bản án phúc thẩm số 346 đã xử đúng, thì bản án phúc thẩm số 158 có xử sai quy định của pháp luật về việc xác định trị giá tài sản thiệt hại hay không? Vì cùng tài sản ấy mà 2 bản án chênh nhau gấp hơn 5 lần. Hội đồng thẩm phán TANDTC cần làm gì để bảo đảm sự thống nhất, công bằng, khách quan trong việc xét xử 2 vụ án trên, tạo niềm tin cho cử tri về sự công minh của pháp luật.
Hoàn toàn chia sẻ với Chánh án là việc xem xét lại các vụ án đã có bản án phải theo đúng trình tự pháp luật, song nữ ĐB khẳng định, các bị cáo và người nhà trong vụ án đã nêu có gửi đơn thư theo đúng trình tự pháp luật, nhưng đều nhận được câu trả lời là “đã xử đúng pháp luật”.
Phát biểu sau đó, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí nêu quan điểm, xác định thời điểm là hết sức quan trọng.
“Xác định thiệt hại ở thời điểm khởi tố vụ án hay là thời điểm tội phạm xảy ra là vấn đề phải suy nghĩ. Thực tiễn, bất động sản lên giá rất nhanh, chỉ 5-7 năm lên 5-10 lần. Tội phạm xâm hại hay chiếm đoạt 10 mặt bằng, nếu tính thời điểm hành vi phạm tội cách đây 10 năm, chỉ cần bán 1 mặt bằng thôi còn lại lãi 9 mặt bằng. Làm gì có chuyện tội phạm lại còn có lãi được?”.
Viện trưởng Lê Minh Trí kiến nghị, khoa học pháp lý cũng phải giải quyết thực tiễn chứ không phải giải quyết tội phạm sau khi thực hiện hành vi. “Tôi nghĩ cần phải xây dựng thêm một số tiêu chí để sát hợp hơn. Thực tiễn trong các vụ án chúng ta còn thấy nhiều trường hợp khác nữa (ngoài 3 trường hợp đã nêu ở trên)”, ông nói.
Về thời điểm xác định thiệt hại, Chánh án TANDTC cho biết, khi xây dựng Nghị quyết 03, Tòa án đã lấy ý kiến của tất cả các cơ quan, thực hiện quy trình như quy trình làm luật. Nghị quyết này đã nêu rõ thời điểm áp dụng pháp luật.
Đối với ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy, Chánh án cho rằng, nếu hai vụ án đó có vấn đề, việc xem xét cần theo đúng thủ tục, trình tự. Toàn dân đều có quyền phát hiện, kiến nghị, nhưng việc kiến nghị cần theo đúng quy trình, thủ tục.
Về ý kiến của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, toàn bộ bất động sản trong vụ án Phan Văn Anh Vũ bị tịch thu, nên không có chuyện “bán đi 1 mặt bằng là có lời”.