Tránh nhầm lẫn giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng

Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn là hành lang kỹ thuật, đóng vai trò quan trọng định hình sự tồn tại, phát triển của công trình xây dựng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hiệu quả đầu tư công trình xây dựng.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Cùng với sự phát triển của ngành Xây dựng trong hơn 60 năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng ngày càng được đổi mới, đóng vai trò quan trọng vào những thành tựu của ngành.

Đến nay, Việt Nam hình thành được một hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng tương đối đầy đủ, do Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan ban hành. Hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn này là công cụ đắc lực để quản lý, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, quản lý an toàn trong thi công và sử dụng công trình xây dựng, góp phần nâng cao năng suất chất lượng của ngành, đảm bảo hiệu quả đầu tư xây dựng.

Tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng có sự khác biệt, điều đó được thể hiện rõ trong Văn bản số 357/BXD-KHCN của Bộ Xây dựng gửi Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường.

Theo đó, trước năm 1990 các tiêu chuẩn Việt Nam nói chung và tiêu chuẩn xây dựng ban hành đều ở dạng hình thức bắt buộc áp dụng; Trong đó các tiêu chuẩn chuyên ngành về xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành và đăng ký mã số vào hệ tiêu chuẩn Việt Nam. Các tiêu chuẩn về vật liệu xây dựng do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký ban hành thành tiêu chuẩn Việt Nam. Ngoài ra, Bộ Xây dựng còn ban hành các tiêu chuẩn ngành với ký hiệu 20 TCN.

Thời kỳ này tiêu chuẩn được định nghĩa: “Là một văn bản pháp quy kỹ thuật trong đó đề ra các quy định thống nhất và hợp lý được xây dựng theo một thủ tục nhất định, trình bày theo một thể thức nhất định, được một cơ quan có thẩm quyền ban hành để bắt buộc áp dụng hoặc khuyến khích áp dụng”. Trong định nghĩa này: Tiêu chuẩn là một dạng văn bản pháp quy, trên thực tế trước năm 1990 có tới 95% các tiêu chuẩn Việt Nam nói chung và tiêu chuẩn xây dựng nói riêng là bắt buộc áp dụng. Ai làm khác với tiêu chuẩn phải làm đơn xin phép ngoại lệ áp dụng tiêu chuẩn.

Từ năm 1990 trở lại đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển đa số các tiêu chuẩn Việt Nam sang loại tự nguyện áp dụng. Do đó, để đáp ứng yêu cầu quản lý các hoạt động xây dựng trong thời kỳ đổi mới và phù hợp với thông lệ quốc tế, Bộ Xây dựng đã xây dựng và ban hành quy chuẩn xây dựng Việt Nam là loại văn bản pháp quy kỹ thuật bắt buộc áp dụng. Còn các tiêu chuẩn chuyên ngành Xây dựng chuyển ký hiệu thành TCXD, trong đó đa số các tiêu chuẩn xây dựng thuộc loại tự nguyện áp dụng, riêng các số tiêu chuẩn liên quan đến an toàn sinh mạng, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, số liệu điều kiện tự nhiên như: Khí hậu, thời tiết, địa chất, thủy văn, động đất… là bắt buộc áp dụng.

Hiện nay, tiêu chuẩn Việt nam đã chấp nhận định nghĩa của tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) như sau: “Tiêu chuẩn là một tài liệu kỹ thuật, được thiết lập bằng cách thỏa thuận trong đó nêu ra các quy tắc, hướng dẫn hoặc là các đặc tính của các hoạt động hay kết quả của các hoạt động, do một cơ quan được công nhận phê duyệt, để sử dụng lặp lại nhằm đạt được mức độ tối ưu, trong một hoàn cảnh nhất định”. Với quan điểm định nghĩa trên, để phù hợp với công tác quản lý hoạt động xây dựng, ngành Xây dựng đã quy định cụ thể về hai loại văn bản là quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng với định nghĩa như sau (theo Quyết định 25/2001 QĐ-BXD ngày 4/9/2001):

Quy chuẩn xây dựng: Là văn bản pháp quy kỹ thuật quy định các yêu cầu tối thiểu mang tính bắt buộc tuân thủ đối với mọi hoạt động liên quan đến xây dựng cơ bản và tình trạng sức khỏe của người ở trong công trình xây dựng.

Quy chuẩn xây dựng có 2 dạng cơ bản: Quy chuẩn mục tiêu (là các quy định hướng dẫn cơ bản chung, thiết lập các yêu cầu tối thiểu hướng tới mục tiêu cần đạt được); Quy chuẩn cụ thể (là các quy định được xây dựng trên cơ sở các mục tiêu, có bao gồm các yêu cầu cụ thể, trong trường hợp cần thiết có các hướng dẫn chi tiết rõ ràng nhằm giảm thiểu các hiểu nhầm khi áp dụng quy chuẩn).

Tiêu chuẩn xây dựng: Là những quy định nguyên tắc, nguyên lý chung, các định mức, các hướng dẫn về kỹ thuật kinh tế cụ thể có liên quan đến hoạt động xây dựng; bao gồm những quy định thống nhất được trình bày dưới dạng văn bản pháp quy kỹ thuật, theo một thể thức nhất định, trong một khung cảnh nhất định, nhằm đạt được một mức độ để làm căn cứ đánh giá đối với một vấn đề kinh tế kỹ thuật cụ thể hoặc tiềm ẩn trong xây dựng.

Các định nghĩa trên đã được hoàn chỉnh và cô đọng trong Luật Xây dựng được Quốc hội khóa X thông qua và Chủ tịch nước ký lệnh công bố số 26/2003/L-CTN ngày 10/12/2003; Tại khoản 19 và 20 Điều 3 Luật Xây dựng đã định nghĩa về quy chuẩn xây dựng và tiêu chuẩn xây dựng như sau :

Quy chuẩn xây dựng là các quy định bắt buộc áp dụng trong hoạt động xây dựng do cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về xây dựng ban hành.

Tiêu chuẩn xây dựng là các quy định về chuẩn mực kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, trình tự thực hiện các công việc kỹ thuật, các chỉ tiêu, các chỉ số kỹ thuật và các chỉ số tự nhiên được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành hoặc công nhận để áp dụng trong hoạt động xây dựng. Tiêu chuẩn xây dựng gồm tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng và tiêu chuẩn khuyến khích áp dụng.

Điểm cơ bản để phân biệt về quản lý giữa quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng là:

Về thẩm quyền ban hành: Quy chuẩn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.

Tiêu chuẩn xây dựng: Các tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCXDVN) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành; Các tiêu chuẩn xây dựng liên quan đến các chuyên ngành (Y tế, giao thông, giáo dục đào tạo...) có thể do các bộ, ngành khác ban hành sau khi có sự thỏa thuận nhất trí của Bộ Xây dựng.

Về nội dung và hình thức áp dụng: Quy chuẩn là văn bản pháp quy kỹ thuật quy định các yêu cầu tối thiểu, các ngưỡng, các mức bắt buộc phải được tuân thủ trong mọi hoạt động xây dựng trên phạm vi toàn quốc.

Tiêu chuẩn là văn bản kỹ thuật trong đó các nội dung quy định không được trái với quy chuẩn; Đa phần tiêu chuẩn ban hành dưới dạng tự nguyện áp dụng, một số ít tiêu chuẩn được xếp vào loại bắt buộc áp dụng; Phạm vi áp dụng của các tiêu chuẩn phụ thuộc vào sự lựa chọn của chủ đầu tư các công trình xây dựng.

Tóm lại, quy chuẩn xây dựng quy định các yêu cầu phải đạt được, các yêu cầu này có thể là tối thiểu, có thể là tối đa tùy theo từng đặc trưng công việc.

Tiêu chuẩn xây dựng hướng dẫn cách thức để đạt được các yêu cầu của quy chuẩn xây dựng.

Đức Cương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/tranh-nham-lan-giua-quy-chuan-va-tieu-chuan-xay-dung-294035.html