Tránh phát sinh sản xuất không đúng quy định

Xác lập, củng cố chặt chẽ hồ sơ đối với các hộ dân đã xuống giống, không xem xét, hỗ trợ khôi phục sản xuất nếu xảy ra thiệt hại; rà soát cơ sở pháp lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định và xử lý trách nhiệm quản lý địa bàn đối với tổ chức, cá nhân có liên quan. Ðó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh trong Công văn 225/UBND-NNTN liên quan đến tình trạng người dân sản xuất lúa vụ 3 trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, tình trạng xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn trung bình hằng năm. Tại đồng bằng sông Cửu Long có khả năng xảy ra thiếu nước cục bộ, xâm nhập mặn sâu vào các cửa sông, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cà Mau là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi bước vào mùa khô hạn do không được bổ sung nguồn nước ngọt từ các sông đầu nguồn, đời sống và sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngầm và nước mưa. Trong bối cảnh đó, tiết kiệm nước ngọt trong sản xuất, sinh hoạt là giải pháp hiệu quả nhất để hạn chế tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt và cả phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô.

Dù đã có nhiều khuyến cáo, song qua thống kê, rà soát, trên địa bàn 2 xã Khánh Bình Tây Bắc và Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời đã có một số hộ dân tiến hành xuống giống lúa vụ 3 với diện tích trên 15 ha. Sản xuất lúa vụ 3 thời gian qua thường không mang lại hiệu quả. Ðồng thời, việc bơm nước trong quá trình sản xuất khiến mực nước trên các kênh rút nhanh, làm gia tăng nguy cơ sạt lở, sụt lún trong mùa khô.

Người dân cần tuân thủ đúng lịch thời vụ để tránh thiệt hại đối với thủy sản nếu độ mặn tăng cao trong mùa khô.

Người dân cần tuân thủ đúng lịch thời vụ để tránh thiệt hại đối với thủy sản nếu độ mặn tăng cao trong mùa khô.

Trước thực trạng một số người dân ở huyện Trần Văn Thời tự ý sản xuất lúa vụ 3, trong công văn, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, UBND huyện Trần Văn Thời tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định, chủ trương, chỉ đạo của cấp thẩm quyền về công tác tổ chức sản xuất. Khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tránh bị thiệt hại. Hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tuyệt đối không bơm nước cưỡng bức cục bộ trong sản xuất gây sụt lún, sạt lở đất. Xác lập, củng cố chặt chẽ hồ sơ đối với các hộ dân đã xuống giống, không xem xét, hỗ trợ khôi phục sản xuất nếu xảy ra thiệt hại; rà soát cơ sở pháp lý xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định. Rà soát, xử lý trách nhiệm quản lý địa bàn đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ việc nêu trên. Báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trước ngày 20/1/2025.

Bên cạnh đó, đối với công tác tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh, trong công văn, Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) rà soát kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất trên từng lĩnh vực. Qua đó hướng dẫn các địa phương điều chỉnh lịch mùa vụ phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết; hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động sản xuất; tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, kịp thời khuyến cáo đến các địa phương, người dân để chủ động trong sản xuất, hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Theo thông tin, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời hiện lượng nước đảm bảo cho vụ lúa đông - xuân.

Theo thông tin, trên địa bàn huyện Trần Văn Thời hiện lượng nước đảm bảo cho vụ lúa đông - xuân.

Ðối với UBND các huyện, TP Cà Mau, bên cạnh thường xuyên kiểm tra, rà soát, theo dõi, nắm chắc địa bàn thì chủ động rà soát lịch mùa vụ của địa phương để xem xét, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, tổ chức sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, theo đề xuất, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm quy định, chủ trương, chỉ đạo của cấp thẩm quyền về công tác tổ chức sản xuất; tổ chức sản xuất đúng lịch mùa vụ, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, để tránh bị thiệt hại cho hộ sản xuất và khu vực xung quanh (do bơm nước từ kênh rạch lên ruộng trong mùa khô, làm nước ở kênh rạch khô cạn, dẫn đến sạt lở, sụt lún đất...).

Công văn nhấn mạnh, Chủ tịch UBND huyện, TP Cà Mau chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để phát sinh việc sản xuất không đúng quy định.

Liên quan đến công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, trước đó, ngày 17/12/2024, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 10667/UBND-NNTN về việc chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đến người dân, địa phương và cơ quan có liên quan để nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Ðồng thời, tổ chức xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp; chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó phù hợp với thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm chủ động cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân khu vực chưa được cấp nước tập trung chủ động thu, trữ nước sớm, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước bảo đảm đủ cho nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và cây trồng. Tăng cường các giải pháp bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tổ chức lấy nước, trữ nước phục vụ sinh hoạt, khi có nguy cơ xảy ra thiếu nước.

Nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt mỗi khi bước vào mùa khô hạn. Do không có nguồn nước ngọt bổ sung nên việc trữ nước, sử dụng nước tiết kiệm hiện nay được xem là giải pháp hữu hiệu nhất để giảm thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo quy định tại Ðiều 45, Luật Phòng, chống thiên tai, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ðối với tổ chức vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Ðồng thời, tại Ðiểm c, Khoản 2, Ðiều 34, Luật này cũng có quy định, hộ gia đình, cá nhân có nghĩa vụ tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp với đặc điểm thiên tai tại địa phương.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tranh-phat-sinh-san-xuat-khong-dung-quy-dinh-a36742.html