Tránh phạt vượt đèn đỏ, có nên lắp đèn đếm ngược tại các nút giao?

Nhiều ý kiến cho rằng cần trang bị đèn đếm ngược màu xanh giúp lái xe chủ động phanh xe khi đèn báo còn vài giây, tránh nguy cơ phạm lỗi vượt đèn đỏ.

Nghị định Nghị định 168 có hiệu lực từ 1/1/2025, với nhiều mức phạt tăng nặng. Trong đó quy định mức phạt lỗi vượt đèn đỏ từ 18 - 20 triệu đồng với ô tô và 4 - 6 triệu đồng đối với mô tô, xe máy. Đây là mức phạt rất cao, khiến không ít người tỏ ra “e dè”.

Từ đó, không ít ý kiến cho rằng cần phải trang bị đồng hồ đếm ngược đèn xanh, đèn đỏ để người tham gia giao thông chủ động điều khiển, tránh bị phạt lỗi vi phạm tín hiệu đèn giao thông.

Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, TS. Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, mục đích của việc trang bị đồng hồ đếm ngược nhằm giúp lái xe biết thời lượng màu đèn còn bao nhiêu để có căn cứ ứng xử hợp lý.

Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế lại phát sinh nhiều bất cập bởi đèn đếm ngược ảnh hưởng lớn đến hành vi của lái xe ở các giây cuối.

Ví dụ đèn đếm ngược màu xanh khi còn 1-2s cuối thì chuyển sang màu vàng, tài xế lúc này hoặc tăng tốc để nhanh chóng qua nút giao hoặc phanh xe sớm. Nếu tài xế phóng nhanh nguy cơ gây tai nạn nhưng nếu dừng xe sớm thì lại làm giảm khả năng thông hành của nút giao.

TS. Khương Kim Tạo cho rằng không cần thiết phải lắp đèn đếm ngược ở các nút giao. Ảnh: N. Huyền

TS. Khương Kim Tạo cho rằng không cần thiết phải lắp đèn đếm ngược ở các nút giao. Ảnh: N. Huyền

“Nhiều ý kiến cho rằng cần trang bị đèn đếm ngược màu xanh để lái xe chủ động phanh lại khi đèn báo còn vài giây để tránh nguy cơ phạm lỗi vượt đèn đỏ.

Tuy nhiên tôi cho rằng việc này không cần thiết. Vì thời gian đèn vàng đủ để lái xe có thể dừng lại an toàn trước vạch dừng khi tín hiệu đèn chuyển sang đỏ. Hơn nữa, việc phanh sớm của lái xe sẽ làm giảm năng lực thông hành của nút giao, ảnh hưởng đến ùn tắc giao thông”, ông Tạo nói.

Đối với đèn tín hiệu đếm ngược màu đỏ, theo ông Tạo có ưu điểm giúp lái xe căn cứ thời lượng để chủ động tắt máy (nếu thời gian chờ lâu) nhằm tiết kiệm nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên nhược điểm cơ bản của loại đèn này là khi còn mấy giây cuối lái xe sẽ vội vàng nhấn ga lao vào nút giao sớm, việc này dễ gây tai nạn giao thông.

“Nếu không có đồng hồ đếm ngược trên đèn đỏ, lái xe phải chờ đèn xanh, bật lên mới vào nút, hơn thế nữa xe còn vào nút chậm đi 1 hay 2s. Thời gian này sẽ đảm bảo các xe trong nút giao thoát ra hết, đảm bảo an toàn cho dòng xe mới vào nút. Do đó, tôi cho rằng nên bỏ đồng hồ đếm ngược ở pha đèn màu đỏ”, ông Tạo nói.

Đây cũng là lý do hiện nay phần lớn các nước phát triển trên thế giới nhu Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản… đều không còn sử dụng đồng hồ đếm giây tại các nút giao. Nếu bỏ đồng hồ đếm ngược, lái xe không cần quan tâm đến điều gì khác ngoài đèn tín hiệu giao thông “Đỏ - Xanh – Vàng”, từ đó có hành vi ứng xử cho phù hợp là an toàn.

Một điểm nữa được chuyên gia Khương Kim Tạo đề cập đến là ở nước phát triển sử dụng đèn tín hiệu giao thông để hỗ trợ cho giao thông công cộng. Các phương tiện như xe buýt, tàu hỏa, xe cấp cứu… được chạy theo chế độ ưu tiên.

Ví dụ, xe buýt được gắn thiết bị báo cho bộ phận điều khiển đèn tín hiệu giao thông ở nút giao biết là sắp đến. Khi xe buýt tiến gần đến nút giao thông thì đèn tín hiệu sẽ ưu tiên màu xanh. Tất cả hướng khác chuyển sang màu vàng và đỏ.

“Nếu chúng ta dùng đồng hồ đếm ngược thì không áp dụng được chế độ đèn ưu tiên”, TS. Khương Kim Tạo nhấn mạnh.

Cần thiết bỏ đồng hồ đếm ngược

Cho ý kiến về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cũng chỉ ra thực trạng còn có một số người điều khiển phương tiện quan sát thấy đèn tín hiệu ở những giây cuối sẽ cố gắng vượt, gây ra va chạm, mất trật tự an toàn giao thông.

Do đó, ông Thủy cho rằng bỏ đồng hồ đếm ngược ở đèn đỏ sẽ tốt hơn. Khi di chuyển qua đèn xanh vẫn biết được thời gian để di chuyển như thế nào, từ đó không tăng tốc vội vàng.

Đèn đếm ngược tại nút giao trên đường quốc lộ. Ảnh: Quốc Huy

Đèn đếm ngược tại nút giao trên đường quốc lộ. Ảnh: Quốc Huy

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, mấu chốt nhất vẫn là ý thức tuân thủ luật giao thông. “Tuy nhiên, tâm lý của người tham gia giao thông rất quan trọng. Chính đồng hồ đếm ngược làm cho một số người chưa nhận thức đầy đủ hoặc ý thức kém vẫn có tâm lý còn vài giây nữa thì cứ vượt để tranh thủ thời gian”, ông nêu rõ.

Còn TS. Khương Kim Tạo lại nhấn mạnh, vấn đề là hiệu chỉnh thời lượng đèn vàng đủ lớn để lái xe không bị phạt lỗi vượt đèn đỏ. “Thời gian đèn vàng tại các nút giao cần căn cứ vào vận tốc cho phép tại tuyến đường đó. Cụ thể: Nếu đoạn đường tại nút giao đèn có vận tốc 20km/h thì thời gian nhấn phanh là 2,48s. Như vậy, thời lượng đèn vàng có thể áp dụng cho nút giao này là 3s.

Tương tự, với các đoạn đường có vận tốc khác nhau thì thời lượng đèn vàng cũng phải lớn hơn thời gian phanh xe: 30km/h - trên 3,18s; 40km/h - trên 3,87s; 50km/h - trên 4,57s; 60km/h - trên 5,27s; 70km/h - trên 5,96s; 80km/h - trên 6,65s; 90km/h - trên 7,38s”, TS. Khương Kim Tạo cho biết.

N. Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tranh-phat-vuot-den-do-co-nen-lap-den-dem-nguoc-tai-cac-nut-giao-2360906.html