Tránh quy hoạch kiểu xen cấy

Phát triển nhà ở cao tầng tại đô thị là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, cần kiểm soát việc xây dựng của các chủ đầu tư đúng với quy hoạch đã được phê duyệt, tránh quá tải đô thị, gây ra nhiều hệ lụy.

Phát triển nhà ở cao tầng tại đô thị là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, cần kiểm soát việc xây dựng của các chủ đầu tư đúng với quy hoạch đã được phê duyệt, tránh quá tải đô thị, gây ra nhiều hệ lụy.

Chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, trên địa bàn TP Hà Nội có hàng trăm dự án nhà ở, khu đô thị được triển khai. Không ít dự án khi rao bán trưng ra đồ án chuẩn với các chỉ tiêu quy hoạch rõ ràng, nhưng khi cư dân về ở bỗng xuất hiện thêm vài tòa nhà cao tầng (ngoài quy hoạch), còn trường học, bãi đỗ xe... lại không có.

Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) là một bài học về điều chỉnh quy hoạch. Ban đầu, nơi đây được quy hoạch là khu đô thị kiểu mẫu với diện tích 200 ha, trong đó có 74 ha hồ nước, dự tính xây khoảng 900 nghìn m2 nhà ở phục vụ khoảng 25 nghìn người, tỷ lệ cây xanh, mặt hồ đạt khoảng 13 m2/người. Thế nhưng đến nay, quy hoạch ban đầu đã bị phá vỡ, nơi đây trở thành khu vực có mật độ cư dân thuộc hàng cao nhất, nhì Hà Nội. Cùng với đó, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, hệ thống trường học lại không được đầu tư đúng mức, dẫn tới cửa ngõ ra vào khu đô thị thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.

Theo đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội, các dự án nhà ở hay khu đô thị khi xây dựng đều đã được duyệt quy hoạch chi tiết với đầy đủ hạng mục hạ tầng, cảnh quan, kiến trúc, giao thông... Đáng chú ý, các dự án phải bảo đảm tỷ lệ đất và xây dựng công trình giáo dục phù hợp với quy chuẩn. Chủ đầu tư phải bố trí ít nhất là 2,7 m2 đất/người để xây dựng trường học trong dự án nhà ở (trừ những dự án có quy mô nhỏ, dân số toàn dự án chưa đủ để hình thành một đơn vị ở). Các chủ đầu tư khi triển khai dự án đều cam kết thực hiện đúng theo quy hoạch được duyệt. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế, không ít chủ đầu tư không quan tâm đầu tư công trình công cộng mà chỉ chú trọng xây căn hộ để bán. Từ đó, tạo những bất tiện không nhỏ khi người dân chuyển đến sinh sống, dẫn đến các cuộc tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay, ngoài việc các chủ đầu tư chây ỳ hoàn thiện các hạng mục hạ tầng theo quy hoạch được duyệt, còn tồn tại tình trạng điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết theo “vết loang” đô thị. Nghĩa là đô thị phát triển đến đâu thì điều chỉnh quy hoạch đến đó, điều này trái với khoa học về xây dựng và quản lý đô thị, mọi sự điều chỉnh nhất định phải bám sát các mục tiêu ban đầu. Đã có những khu vực được điều chỉnh quy hoạch, thậm chí điều chỉnh nhiều lần, cho nên bị lệch xa định hướng ban đầu của quy hoạch chung.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, để các đô thị thực hiện đúng quy hoạch, các cấp có thẩm quyền cần làm nghiêm ngay từ khâu quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Phải rà soát lại toàn bộ tiêu chuẩn, quy phạm để phù hợp với sự phát triển của xã hội; rà soát lại toàn bộ quy hoạch phân khu của từng khu vực để xem chúng đã phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt hay chưa. Ngoài ra, cần xem xét lại toàn bộ quy hoạch chi tiết thiết kế đô thị của từng con đường, khu phố có phù hợp trong quy hoạch tổng thể, bởi quy hoạch phân khu phải tuân thủ quy hoạch chung.

Trong xu thế phát triển, các đô thị lớn vẫn tiếp tục xây dựng nhà cao tầng. Do đó, phải kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn thực hiện dự án kiểu “điền vào chỗ trống”, cần quy hoạch những khu đô thị đạt chuẩn, có quy mô lớn, đồng bộ hạ tầng, đầy đủ tiện ích. Các cơ quan quản lý nhà nước phải có trách nhiệm tổ chức thẩm định kỹ lưỡng việc điều chỉnh quy hoạch trước khi trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

NGUYÊN ĐÀO

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-quy-hoach-dau-tu/tranh-quy-hoach-kieu-xen-cay-617934/