Tránh rủi ro khi xuất khẩu

Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa thông tin về một số nông sản, thực phẩm của Việt Nam bị cảnh báo vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.

Quy trình sản xuất hạt điều được tuân thủ nghiêm ngặt. Ảnh: M.H.

Quy trình sản xuất hạt điều được tuân thủ nghiêm ngặt. Ảnh: M.H.

12 cảnh báo về nông thủy sản xuất khẩu

Theo văn bản số 27/SPS-BNNVN ngày 12/2/2025 của Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đã không đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, từ đầu năm 2025 đến nay, hệ thống an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU đã liên tiếp gửi 12 cảnh báo đối với các sản phẩm thực phẩm, nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Các sản phẩm này bị xử lý theo hình thức cảnh báo, thu hồi hoặc thậm chí tiêu hủy do không đáp ứng các quy định nghiêm ngặt của thị trường EU.

Một trong những nguyên nhân chính là doanh nghiệp (DN) chưa đăng ký lưu hành các sản phẩm có chứa thành phần thuộc nhóm “thực phẩm mới” theo quy định của EU. Ngoài ra, nhiều DN cũng mắc sai sót trong việc khai báo thành phần sản phẩm. Điển hình như ghi nhãn sai nguyên liệu dễ gây dị ứng. Ví dụ, tôm tẩm bột đông lạnh không khai báo chất gây dị ứng (trứng có trong bột tẩm) và bột điều hữu cơ không đề cập đến đậu phộng, dẫn đến việc các sản phẩm này bị thu hồi. Ngoài ra, vi phạm quy định đối với “sản phẩm hỗn hợp”. DN không thực hiện kiểm dịch thú y hoặc không khai báo đầy đủ các thành phần từ động vật tại cửa khẩu.

Theo Văn phòng SPS Việt Nam, các DN vi phạm phần lớn thuộc nhóm nhỏ và vừa. Do các DN nhỏ chưa nắm rõ các quy định về "thực phẩm mới" và "sản phẩm hỗn hợp" của EU.

Văn phòng SPS Việt Nam đã gửi cảnh báo đến Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) và các hiệp hội thực phẩm lớn, trong đó có Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Điều Việt Nam.

Văn phòng SPS Việt Nam cũng đề nghị các cơ quan này cần có khuyến nghị đến DN thuộc lĩnh vực quản lý yêu cầu nghiên cứu kỹ quy định của thị trường trước khi xuất khẩu, tránh rủi ro cho DN.

Bên cạnh đó, các DN cần lập tức rà soát lại quy trình sản xuất, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU. Từ thành phần nguyên liệu, quy trình ghi nhãn, kiểm dịch cho đến việc sử dụng phụ gia, tất cả đều phải được kiểm tra chặt chẽ.

Đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng

Đánh giá kết quả tháng 1/2025, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, một số mặt hàng có sản lượng xuất khẩu tăng, nhưng giá giảm; một số sản phẩm vừa giảm về lượng, vừa giảm về giá. Đáng chú ý, một số mặt hàng phải tạm dừng xuất khẩu vì thị trường nhập khẩu nông sản, thực phẩm liên tục có những thay đổi quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật với mục tiêu bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc thay đổi để thích ứng là giải pháp kiên quyết để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 64 - 65 tỷ USD trong năm nay.

Để quá trình xuất khẩu nông sản tươi vào EU không gặp rào cản, các nhà xuất khẩu Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm không vượt mức dư lượng hóa chất cho phép, đồng thời đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt từ các nhà nhập khẩu. Trong quá trình trồng trọt, sản xuất, việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật phải được EU chấp thuận. Các DN cũng cần kiểm tra dư lượng hóa chất tại các phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế trước khi xuất khẩu.

“Đối với EU, chứng nhận kiểm dịch thực vật là một yêu cầu bắt buộc để sản phẩm có thể vào thị trường này. Do đó, nhà xuất khẩu Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan kiểm dịch tại Việt Nam để đảm bảo quy trình kiểm tra cũng như cấp chứng nhận đúng chuẩn. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp xử lý để loại bỏ nguy cơ sinh vật gây hại cũng là hành động cần thiết” - đại diện SPS Việt Nam khuyến cáo.

Cùng nỗ lực của các cơ quan chức năng, các DN cũng đang tập trung mọi nguồn lực nâng cao năng lực chuỗi sản xuất - chế biến và xuất khẩu.

Trong lĩnh vực thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Cá tra là một trong những sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU. Trong quá trình triển khai thực hiện đề án liên kết sản xuất giống cá tra ba cấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang, đã có 4 DN đầu tư vùng ương nuôi tập trung theo hướng công nghệ cao. Ðến nay, các DN có năng lực cung cấp khoảng 500 triệu con giống cá tra chất lượng cao, mở ra hướng phát triển bền vững cho ngành hàng xuất khẩu cá tra, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nói chung vào thị trường EU.

Trước những đòi hỏi khắt khe của thị trường, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông VASEP cho biết, vẫn có cơ hội cho Việt Nam tăng thị phần tại Mỹ, Nhật Bản, Canada… Tuy nhiên, bà Hằng nhấn mạnh, dù ở thị trường nào thì vấn đề chất lượng và quy trình sản xuất vẫn phải đặt lên hàng đầu. Việc tuân thủ các quy định về xuất xứ, đảm bảo tính minh bạch trong chuỗi cung ứng và hợp tác với các cơ quan chức năng sẽ giúp DN duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ được uy tín trên thị trường quốc tế.

Trong năm 2024, Việt Nam nhận 114 cảnh báo từ EU, tăng gấp đôi so với năm 2023. Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, trong số những cảnh báo của EU thì những quy định về "thực phẩm mới" và "sản phẩm hỗn hợp" đang khiến DN xuất khẩu lúng túng.

Khanh Lê

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tranh-rui-ro-khi-xuat-khau-10300130.html