Tránh tai nạn không đáng có từ điện
Chập điện có thể gây cháy nổ, bị điện giật có thể gây tổn thương đến các phần của cơ thể hoặc nặng hơn là tử vong. Vấn đề này hầu như ai cũng biết, nhưng tại sao vẫn thường xuyên xảy ra những vụ việc chập điện, điện giật gây hậu quả nghiêm trọng? Vậy người sử dụng điện cần làm gì để đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra?
Tai nạn xuất phát từ sự chủ quan
Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh liên tục xảy ra tình trạng chập điện gây cháy nổ tại một số cơ sở sản xuất và nhà ở lưỡng dụng (vừa ở, vừa làm nơi sản xuất, kinh doanh). Đặc biệt, tình trạng hở, nhiễm từ dây dẫn cùng các thiết bị chất lượng kém làm cho một số người dân bị điện giật.
Một số trường hợp may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần khi được phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời, nhưng cũng có những trường hợp tử vong trước khi được người thân hoặc hàng xóm phát hiện. Hầu hết những trường hợp bị điện giật xảy ra đều xuất phát từ việc người dân không hiểu hoặc chủ quan trước các khuyến cáo về an toàn điện.
Khoảng 6h30’ ngày 1/7/2023, một số người dân sinh sống cạnh Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn thuộc phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh đi tập thể dục về thì phát hiện trên mái tôn của trường này có một nam giới nằm bất động, nghi bị điện giật nên báo Công an phường và cơ quan chức năng. Nhận tin báo, Công an phường Bến Nghé và bộ phận kỹ thuật điện thuộc Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh xuống ngay hiện trường phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hồ Chí Minh đưa nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu và tiến hành khám nghiệm hiện trường. Sau khi kiểm tra, các đơn vị nghiệp vụ xác định nạn nhân là anh L.N.T (sinh năm 1975 tại tỉnh Long An), nhân viên kỹ thuật của trường, bị điện nhiễm từ dây dẫn của hệ thống máy lạnh qua mái tôn giật gây tử vong tại chỗ. Thời điểm trên, cán bộ, nhân viên nhà trường còn chưa đến làm việc, riêng bảo vệ của trường cũng đang làm vệ sinh cá nhân nên không có ai phát hiện kịp thời.
Cũng trong ngày 1/7/2023, ông chủ một căn nhà trên đường Nguyễn Văn Khối, phường 8, quận Gò Vấp đang sửa chữa, đấu nối dây điện trên sân thượng thì bất ngờ trời đổ mưa. Sợ làm không kịp thì cả đêm trong nhà sẽ không có điện dùng nên người này cố gắng làm nhanh, nhưng chưa xong thì bỗng ngã vật ra sàn rồi co giật. Người nhà phát hiện thông báo cho cơ quan chức năng đến cứu giúp, nhưng người này đã tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định người này tử vong do bị điện giật.
Một vụ việc đáng tiếc khác liên quan đến điện giật xảy ra vào trưa ngày 2/7/2023 tại một căn nhà trên đường Nguyễn Súy, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Do trận mưa lớn trong buổi sáng cùng ngày đẩy lá cây gây tắc nghẽn máng xối thoát nước nên đến trưa, ông H đã trèo lên mái tôn để dọn rác. Do chủ quan nên ông H đã để dây điện vắt ngang mái tôn vướng vào người gây ra tình trạng bị điện giật. Thấy thời gian đã lâu mà không thấy ông H xuống, người thân trong nhà chạy lên kiểm tra thì phát hiện ông ôm sợi dây điện nằm bất động trên mái nhà. Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an quận Tân Phú nhanh chóng có mặt, đưa ông H xuống đất nhưng ông đã tử vong.
Những biện pháp đảm bảo an toàn
Theo Tổng công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh, ngành điện thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương, thực hiện kiểm tra, trách nhiệm đảm bảo an toàn điện của khách hàng sử dụng điện, việc thực hiện các nội dung cam kết đảm bảo an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ do sử dụng điện trong hợp đồng mua bán điện; tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất để hướng dẫn, đề xuất để khách hàng tuân thủ những điều kiện an toàn về điện. Tuy nhiên, qua ghi nhận thực tế của các nhân viên ngành điện cho thấy tình trạng người dân tự ý câu móc điện bừa bãi, sử dụng các loại dây dẫn cầu dao, ổ cắm điện không đủ tải so với các loại máy móc, thiết bị điện sử dụng xảy ra khá phổ biến. Việc đấu nối, câu móc điện bừa bãi… là một hành vi rất nguy hiểm, việc làm này làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn điện bất cứ lúc nào, ngoài ra còn có thể gây ra cháy, nổ do chạm, chập điện, dẫn đến nguy hiểm cho cộng đồng và ảnh hưởng đến an ninh trật tự, đồng thời gây sự cố lưới điện, làm gián đoạn việc cấp điện cho khách hàng. Vì an toàn cho chính bản thân và xã hội, người dân, tổ chức, doanh nghiệp cần phải triệt để tuân thủ các khuyến cáo về an toàn điện nhằm tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc.
Theo quy trình kinh doanh điện năng áp dụng trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam ban hành, trước khi lắp đặt đồng hồ điện cho người dân, ngành điện xem xét biểu đồ phụ tải và ký thỏa thuận đấu nối; thực hiện khảo sát và lập phương án cấp điện theo yêu cầu của khách hàng. Tùy theo mức phụ tải sử dụng, ngành điện lắp đồng hồ điện có công suất đáp ứng yêu cầu. Khi thay đổi công suất sử dụng điện, khách hàng gửi yêu cầu và hồ sơ thay đổi công suất sử dụng điện, ngành điện khảo sát, lập lại phương án cấp điện và thay đổi hệ thống đo đếm phù hợp với công suất mới.
Một trong những nguyên tắc an toàn điện đầu tiên cần thực hiện đó là lưu ý lắp đặt mạch điện của các thiết bị đúng cách. Khi lắp đặt phải lắp cầu dao hay CB ở đầu dây cấp điện chính và các nhánh rẽ ở các tầng nhà. Thiết bị bảo vệ đóng cắt điện cần được lắp đặt trên dây pha (dây nóng), tốt nhất nên lắp đặt đồng thời cả dây pha và dây trung tính (dây nguội). Lựa chọn các cầu dao, CB phải phù hợp với công suất sử dụng, có nắp đậy che kín phần mang điện. Nếu có thể, nên lắp thêm thiết bị chống rò điện để phòng tránh các sự cố điện nguy hiểm, đặc biệt là những vùng ngập nước.
Để bảo đảm an toàn khi sử dụng điện trong gia đình, vị trí đặt cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm điện phải là nơi cao ráo, bảo đảm thuận tiện khi sử dụng. Đối với những hộ gia đình có trẻ nhỏ hoặc nằm trong vùng có thể bị ngập nước cần lưu ý đặt cao hơn nền và sàn nhà ít nhất 1,4m và tránh sử dụng thiết bị điện khi đang sạc. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, cần phải lưu ý đến quy trình an toàn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, thường xuyên kiểm tra đường dây, các thiết bị đóng cắt, bảo vệ điện như: Cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ cắm, các thiết bị sử dụng điện trong nhà..., bên cạnh đó, tốt nhất hãy ngắt nguồn điện các thiết bị khi không sử dụng để đề phòng cháy nổ, chập điện. Trong trường hợp dây dẫn điện bị đứt, tróc cách điện hay các thiết bị, đồ dùng điện bị hư hỏng, cần phải thay thế hoặc sửa chữa mới được tiếp tục sử dụng. Nếu muốn tự sửa cần tuân thủ các biện pháp an toàn trong quá trình sửa chữa điện hoặc liên hệ với thợ sửa điện chuyên nghiệp để được giúp đỡ. Không đặt trực tiếp dây điện trên mái tôn hoặc hệ thống sắt thép của mái nhà vì qua tác động của thời tiết (nắng, mưa, gió…) có thể làm hư hỏng cách điện gây rò rỉ điện. Trường hợp bất khả kháng, cần kéo dây trên/gần mái tôn, lò hơi có nhiệt độ cao, phải có đơn vị có chuyên môn về điện để tư vấn/thiết kế lắp đặt hệ thống dây điện phù hợp (chủng loại dây, sứ cách điện, khoảng cách với mái tôn bọc trong ống….) và thường xuyên kiểm tra, bảo trì để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Nếu bảo trì hay sửa chữa các thiết bị điện gia đình mà bạn không chắc chắn về độ an toàn, hoặc không có đầy đủ dụng cụ bảo hộ thì không nên tự mình sửa chữa. Hãy nhanh chóng liên hệ với dịch vụ sửa chữa điện nước chuyên nghiệp đến để xử lý.
Một vần đề nữa đã được quy định tại Điều 4 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP quy định chi tiết về thi hành luật điện lực về an toàn điện, các hành vi bị cấm bao gồm "Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác". Vì vậy, các hành vi kinh doanh ngay cạnh các trạm biến áp, bốt điện và tủ điện là hành vi cực kỳ nguy hiểm, không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ cao.
Đáng lo ngại, dù đã được cảnh báo nguy hiểm, thế nhưng việc “lấn chiếm” các trạm biến áp, bốt điện và tủ điện làm nơi buôn bán vẫn diễn ra phổ biến. Chẳng hạn, người dân vô tư tận dụng những tủ điện cao áp thành nơi bày bán, để đồ cho những quán nước, quán ăn. Trong quá trình kinh doanh, không ít người đã sử dụng, bố trí các dụng cụ kim loại gần nguồn dẫn điện rất nguy hiểm.
Đồng hồ điện lắp cho người dân phải đảm bảo công suất sử dụng điện theo yêu cầu. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống điện sau đồng hồ điện thuộc trách nhiệm của các hộ sử dụng điện. Để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện, tránh quá tải khi thiết kế hệ thống đường dẫn điện trong nhà cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau:
- Tính toán, lựa chọn dây dẫn điện phù hợp với khả năng chịu tải tiêu thụ điện.
- Hệ thống điện trong nhà cần có thiết bị bảo vệ (aptomat) tổng, thiết bị bảo vệ cho từng khu vực, cho từng thiết bị điện.
- Không câu, mắc dây điện tùy tiện.
- Các mối nối dây dẫn phải đảm bảo đúng kỹ thuật - nối so le và được quấn băng cách điện.
- Nên đặt dây dẫn trong ống, hộp bảo vệ.
- Lựa chọn thiết bị điện có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Sử dụng các thiết bị điện đúng yêu cầu kỹ thuật.
- Không đặt các thiết bị điện gần các đồ dùng dễ cháy, trực tiếp trên mái tôn hoặc hệ thống sắt thép của mái nhà.
- Không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn trên cùng một ổ cắm. Khi lắp đặt thêm các thiết bị có công suất lớn như máy lạnh, máy nước nóng, bếp điện thì phải lắp đặt thêm đường dây dẫn điện riêng để tránh quá tải hệ thống dây dẫn điện cũ.
- Tắt thiết bị điện khi không sử dụng.
- Nên thuê/nhờ những người có chuyên môn về điện để thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa, thay thế dây dẫn, thiết bị điện bị hư hỏng.