Tranh tài năng khiếu giáo dục mầm non

Thí sinh Trần Thị Thủy Chung với phần thi năng khiếu kể chuyện. Ảnh: THÚY HẰNG

Ngày 20/8, Trường đại học Phú Yên tổ chức thi năng khiếu đối với ngành Giáo dục mầm non, với hơn 200 thí sinh đăng ký dự thi. Do dịch COVID-19 nên thí sinh tham gia dự thi đều phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước khi vào khu vực thi. Các phòng thi được nhà trường bố trí theo kiểu giãn cách để đảm bảo an toàn cho thí sinh lẫn giám khảo.

Thi kể chuyện, đọc, hát

Năm nay, Trường đại học Phú Yên sử dụng 2 tổ hợp xét tuyển vào ngành Giáo dục mầm non, đó là M01 (Văn, Năng khiếu 1, Năng khiếu 2) và M09 (Toán, Năng khiếu 1, Năng khiếu 2). Trong đó, Năng khiếu 1 thi kể chuyện và đọc diễn cảm; Năng khiếu 2 thi hát, nhạc (gõ tiết tấu). Có mặt tại phòng chờ trước khi vào phòng thi chính thức, thí sinh Lê Nguyễn Thùy Trâm tự tin cho biết: Ngay từ khi vào học lớp 10 em đã ước ao sau này trở thành cô nuôi dạy trẻ nên trong những năm qua em chủ động tìm hiểu, nghiên cứu những kiến thức liên quan đến việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Do đó, em rất tự tin về phần thi năng khiếu”. Không tự tin như Thùy Trâm, song thí sinh Nguyễn Thị Thanh Tâm ở huyện Phú Hòa, chia sẻ: “Em cực kỳ yêu thích trẻ con nên em nghĩ mình sẽ thi tốt phần thi năng khiếu để trở thành cô giáo mầm non”.

Với quyết tâm trở thành giáo viên mầm non nên hầu hết các thí sinh chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng cho phần thi của mình từ chọn chuyện kể, bài hát đến trang phục. Vừa thi xong phần thi năng khiếu của mình, em Trần Thị Thủy Chung ở xã Diên Bình, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum, chia sẻ: “Em được người thân từng học ngành Giáo dục tiểu học của Trường đại học Phú Yên dẫn xuống Tuy Hòa từ ngày 19/8. Em chọn trang phục áo dài để tăng thêm phần duyên dáng. Lúc đầu vào thi em run lắm, nhưng vì ước mơ sau này sẽ được làm cô giáo mầm non nên em cố gắng giữ bình tĩnh để thể hiện phần thi của mình. Sau khi trình bày xong, em thấy các cô trong ban giám khảo cười ưng ý nên em nghĩ mình sẽ đạt điểm cao ở phần thi năng khiếu. Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT môn Văn đạt được 7 điểm em nghĩ mình sẽ trúng tuyển ngành học này”.

Không lo thất nghiệp

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp luôn là mối quan tâm hàng đầu của thí sinh và phụ huynh khi quyết định chọn ngành, chọn trường. Ngược lại với tình trạng dư thừa giáo viên ở bậc trung học hiện nay, giáo viên mầm non có rất nhiều sự lựa chọn làm việc giữa các trường mầm non công lập, tư thục trên cả nước bởi sự thiếu nhân lực trong ngành này.

TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, cho biết: Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học ngành Giáo dục mầm non của trường là 105 sinh viên, còn trình độ cao đẳng là 100 sinh viên. Chỉ tiêu tuyển sinh này được trường thực hiện công khai, minh bạch dựa trên tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp và có ý kiến của Sở GD-ĐT, UBND tỉnh. Thực tế những năm qua cho thấy, sinh viên sau khi tốt nghiệp Giáo dục mầm non đều tìm được việc làm. Đây là điều dễ hiểu bởi hiện nay hệ thống giáo dục mầm non không chỉ có các trường công lập mà còn có nhiều cơ sở tư thục. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giáo viên mầm non mở trường tư thục, nhóm trẻ gia đình và rất thành công. “Vì thế, sinh viên theo học Giáo dục mầm non không lo thất nghiệp khi tốt nghiệp ngành học này”, thầy Lăng nhấn mạnh.

Do cơ hội việc làm tốt nên những năm gần đây, Giáo dục mầm non là một trong những ngành có tỉ lệ chọi cao và điểm chuẩn thường cao hơn điểm sàn 1-3 điểm. Tuy nhiên, TS Trần Lăng cho biết thêm, nhu cầu giáo viên mầm non ngày càng cao, song để gắn bó với công việc này, tố chất cần thiết mà các em phải có đó là yêu trẻ, thích làm việc với trẻ. Ngoài ra, giáo viên mầm non cũng cần có đức tính kiên nhẫn, tỉ mỉ, nhưng quan trọng nhất vẫn là yêu trẻ vì nếu yêu trẻ các em sẽ có nhiều sáng tạo trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

Thực tế những năm qua cho thấy, sinh viên sau khi tốt nghiệp Giáo dục mầm non đều tìm được việc làm. Đây là điều dễ hiểu bởi hiện nay hệ thống giáo dục mầm non không chỉ có các trường công lập mà còn có nhiều cơ sở tư thục. Vì thế, sinh viên theo học Giáo dục mầm non không lo thất nghiệp khi tốt nghiệp ngành học này.

TS Trần Lăng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/244687/tranh-tai-nang-khieu-giao-duc-mam-non.html