Tranh thủ trẻ ngủ trưa, cô giáo vội chốt đơn bán hàng bù đồng lương ít ỏi
Không có tiền thưởng Tết, đồng lương ít ỏi, nhiều giáo viên tranh thủ vừa dạy học vừa bán hàng trực tuyến. Có người ở vùng cao trong tuần dạy học ngày 3 ca, cuối tuần đi về 140 cây số để gửi nông sản cho khách.
Thầy Trần Văn Đ., giáo viên Trường THCS Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), nói rằng, giáo viên không có thưởng Tết mà chỉ được một phần quà nhỏ động viên tinh thần. Hai vợ chồng là giáo viên, nuôi 2 con ăn học nên nếu không làm thêm cuộc sống sẽ chật vật. Bốn năm trước, thầy Đ. vay mượn mua 1 chiếc ô tô trả góp để chạy taxi.
“Ở quê, không nhiều người có xe nên khi cần công việc đi 50-100 cây số họ lại gọi. Cũng có những cuốc gọi chở đi Hà Nội - Hải Phòng, chặng đường 400-500 cây số có thể kiếm được nhiều tiền hơn nhưng mình vẫn xác định, lái xe là nghề tay trái nên từ chối để đảm bảo thời gian lên lớp”, thầy Đ. nói.
Thầy Đ. còn nhập máy lọc nước, thiết bị điện tử về bán, tranh thủ giờ giải lao đăng quảng cáo trên mạng xã hội để hút khách. Buổi tối, thầy đến từng nhà lắp thiết bị. Bốn năm qua, nghề tay trái đã giúp thầy kiếm gần chục triệu đồng mỗi tháng. Dịp Tết, thầy phải tích cực bán hàng hơn để có tiền mua quần áo mới, quà bánh cho con cái và gia đình nội, ngoại.
Trên tài khoản mạng xã hội, cô Bùi Minh Khuyên, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Pa Ủ (tỉnh Lai Châu), rao bán đủ thứ, từ thịt trâu, thịt lợn gác bếp đến lạp xường, sữa tươi, măng rừng, mật ong, tinh dầu sả… Hơn chục năm làm giáo viên cắm bản, đồng lương còm cõi không đủ chi tiêu nên khoảng 2 năm trở lại đây, cô Khuyên tranh thủ bán nông sản mua của phụ huynh học sinh. Đa số khách là người miền xuôi nên sau khi nhận đơn, cô giáo chạy xe máy 70 cây số ra bưu điện gửi hàng.
“Ngày mình dạy 3 ca, ca sáng, chiều và tối kèm cả học sinh bán trú. Khi mọi người ngủ, mình thức đóng hàng, cẩn thận ghi tên từng đơn để cuối tuần đi gửi một chuyến. Vất vả lắm nhưng mẹ con có thêm thu nhập nên cuộc sống cải thiện hơn”, cô Khuyên chia sẻ.
Năm học trước, cô hướng dẫn học sinh làm mứt gừng và kem túi bán được hơn 2 triệu đồng lấy tiền mua sách vở, bút, dép. Người dân biết chiết tinh dầu sả nhưng không biết bán ở đâu, cô nhập về bán với giá 500.000 đồng/lít. Để tạo uy tín với khách, cô thường vào tận nhà dân, chụp ảnh, quay video quy trình hong thịt trâu, thịt bò trên khói bếp; theo chân dân bản vào rừng lấy mật ong… Nhờ đó, cô được người mua tin tưởng và lượng đơn tăng dần lên.
Nỗ lực gấp đôi
“Không ai mong muốn vất vả nhưng khi khó khăn, mình phải nỗ lực vượt lên. Không phải vì bận bán hàng mà bỏ bê dạy học, mình chỉ tranh thủ ngoài giờ, thức khuya dậy sớm, tranh thủ giờ người khác nghỉ ngơi để làm thêm”, cô giáo Khuyên tâm sự.
Cô Nguyễn Thùy Dương, giáo viên Trường Mầm non Kid’s Garden (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dù có mặt ở trường từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mới về nhà, nhưng xong bữa tối cho con cái, cô bắt tay đồ xôi, kho thịt để hôm sau bán đồ ăn sáng. Cô còn mở thêm quầy hàng xén để kiếm thêm. “Ban đầu, tôi cũng ngại ngùng nhưng chồng mất sớm, chi phí nuôi 2 con ăn học ở Hà Nội đắt đỏ, nếu không chịu khó làm thêm sẽ không đủ trang trải”, cô Dương nói. Dù ngày ngủ 4 tiếng, bận rộn nhiều việc, nhưng cô vẫn là một trong những giáo viên được nhà trường, phụ huynh đánh giá là tận tụy, yêu trẻ.
Hiệu trưởng một số nhà trường cho biết, công việc giáo viên rất vất vả, vừa đảm bảo giờ lên lớp vừa phải làm nhiều việc ngoài giờ như soạn bài, nhận xét học sinh, hoàn thiện hồ sơ, sổ sách, tập huấn… Do đó, nếu phải làm thêm công việc khác sẽ vất vả bội phần, nhưng nhiều người vẫn yêu nghề, mến trẻ, không bỏ giờ dạy nào.
Tại cuộc đối thoại gần đây giữa ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT Ba Đình (Hà Nội) với các nhà trường, Hiệu trưởng Trường Mầm non số 5, quận Ba Đình cho rằng, mức lương của giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, hiện thấp nhất; nhiều cô tranh thủ giờ trẻ ngủ trưa để bán hàng, chốt đơn. Vị hiệu trưởng đề nghị có giải pháp hỗ trợ đời sống giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.