Tranh tượng Lê Công Thành

Nhắc câu chuyện làm tượng đài Mẹ Âu Cơ, nhiều người cho rằng đó là một giai thoại thú vị về cuộc gặp gỡ giữa hai con người đều mang tính cách 'đặc thù' của người xứ Quảng: Nguyễn Bá Thanh và Lê Công Thành, một là nhà lãnh đạo cao nhất của thành phố lúc bấy giờ và một là nghệ sĩ điêu khắc tài danh...

Câu chuyện làm tượng đài “Mẹ Âu Cơ”

Là tác giả có một sự nghiệp điêu khắc đồ sộ và phong cách sáng tác độc lập, Lê Công Thành được giới mỹ thuật tôn là “vị thần cai quản của phái đẹp” với vô số các tác phẩm về người phụ nữ Việt Nam, là “cây đại thụ” của nền điêu khắc Việt Nam thế kỷ 20. Ông từng tham gia một số triển lãm tại Hong Kong (1991), Pháp (1997 và 2004), Hàn Quốc (2007), triển lãm với nhà điêu khắc Nguyễn Kim Thái (vợ của ông) năm 2008 và hai triển lãm tranh cá nhân 2017, 2018 tại Hà Nội. Trong sự nghiệp sáng tác, ông đã để lại nhiều tác phẩm giá trị cho mỹ thuật Việt Nam như: Tượng đài Núi Thành 1985, Bác Hồ và các cháu, Bà má nghiền trầu, Mẹ Âu Cơ tại Công viên Biển Đông thành phố Đà Nẵng...

Tác phẩm điêu khắc “Người đàn bà” của nhà điêu khắc Lê Công Thành

Tác phẩm điêu khắc “Người đàn bà” của nhà điêu khắc Lê Công Thành

Nhắc câu chuyện làm tượng đài Mẹ Âu Cơ, nhiều người cho rằng đó là một giai thoại thú vị về cuộc gặp gỡ giữa hai con người đều mang tính cách “đặc thù” của người xứ Quảng: Nguyễn Bá Thanh và Lê Công Thành, một là nhà lãnh đạo cao nhất của thành phố lúc bấy giờ và một là nghệ sĩ điêu khắc tài danh.

Hồi đó, biết Lê Công Thành người con của Đà Nẵng, nhiều năm đau đáu ý tưởng được xây dựng bức tượng đài Mẹ Âu Cơ tại cửa biển của thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh đã không khách khí khi thân tình tiếp ông Thành. Để rồi sau đó ông Thanh đã đích thân mời nhà điêu khắc lên ô tô đi khảo sát vòng quanh thành phố. Khi xe chạy đến đường Phạm Văn Đồng tiếp giáp đường Hoàng Sa, nơi có công viên Biển Đông với một không gian xanh trong và thoáng đãng, nhà điêu khắc nói : “Tôi muốn được đặt bức tượng ở chính nơi đây”. Ông Thanh gần như không một chút do dự, bảo: “Tùy anh”. Vậy là câu chuyện coi như đã bàn xong. Việc thi công bức tượng điêu khắc Mẹ Âu Cơ lập tức được tiến hành, triển khai. Vào đêm 30/6/2007, bức tượng chính thức hoàn thành, chỉ hơn một tháng sau ngày gặp gỡ giữa nhà điêu khắc Lê Công Thành và ông Nguyễn Bá Thanh.

Bức tượng điêu khắc Mẹ Âu Cơ (còn gọi Người đàn bà bọc trứng) là công trình gồm những hình khối đơn giản nhưng được chạm khắc tỉ mỉ, mang ý nghĩa về lịch sử, nguồn cội nhưng cũng rất hài hòa với không gian hiện đại, được xem là một trong những biểu tượng độc đáo của du lịch Đà Nẵng.

Cây đại thụ của nền điêu khắc

Nhận xét về nhà điêu khắc Lê Công Thành, họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: Có thể nói, Lê Công Thành là một nghệ sĩ tiên phong trong đổi mới ngôn ngữ điêu khắc hiện đại ở Việt Nam. Tác phẩm của ông có nhiều tìm tòi sáng tạo với một cá tính và phong cách riêng, cách tân trong ngôn ngữ điêu khắc mang tính hiện đại, có giá trị nghệ thuật cao, có ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ sau.

Giám đốc Nghệ thuật Heritage Space (Hà Nội) Nguyễn Anh Tuấn nói: Điêu khắc của Lê Công Thành là sự tổng hòa học hỏi từ các tác gia điêu khắc lớn trên thế giới như Picasso, Henry Moore, Brancusi… và các đặc điểm truyền thống Việt Nam như điêu khắc Chămpa, chạm khắc đình chùa Bắc bộ, tượng nhà mồ Tây nguyên… để tạo ra một ngôn ngữ sáng tạo vô cùng độc đáo, vừa có tính cá thể, lại vừa mang tính quốc tế cao”. Ngoài điêu khắc, Lê Công Thành cũng dành thời gian cho hội họa. Năm 2017, triển lãm Tranh giấy Lê Công Thành tại Hà Nội thu hút được sự quan tâm của nhiều người trong nghề.

Những bức tranh triển lãm được chọn từ hơn 300 tác phẩm sáng tác trong hơn 30 năm của nhà điêu khắc. Chúng vẫn tập trung mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ với những ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Màu sắc, bố cục trong tranh của ông hướng đến sự tối giản, nhưng có chiều sâu. Trong những di cảo của nhà điêu khắc để lại, nhà văn Trung Trung Đỉnh cho biết, còn có “những trang ghi chép hồi ức, những thiên đoản văn, những bài thơ mà ông bảo ông không gọi là thơ, đó là những khoảnh khắc của cuộc đời Lê Công Thành.

Ông viết về nghề nghiệp, những suy nghĩ về cuộc sống đương đại, những cuộc tiếp xúc với cuộc sống phía sau cuộc sống những thân phận khuất lấp mà xưa nay ta hay gọi là “dưới đáy”. Ông có những cuộc “đi” vào thực tế đời sống không giống bất kỳ văn nghệ sĩ viên chức, công chức, hay văn nghệ sĩ cán bộ nào. Cũng không giống luôn cả các văn nghệ sĩ tự do đương thời. Ông tự nhiên gặp gỡ “các em” ở trong các “vòm”, các “ổ” mà ông gọi đúng tên của nó là “gái điếm” không né tránh, gượng gạo.

Đúng như chia sẻ của nhà điêu khắc kỳ cựu, họa sĩ Nguyễn Bằng Lâm: “Những tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Công Thành là kết tinh của vốn sống, vốn hiểu biết dồi dào về nghệ thuật căng đầy trong huyết quản; là kết quả của sự sáng tạo miệt mài, đam mê đổi mới không ngừng nghỉ và còn là thành công của một nghệ sĩ luôn khao khát xây dựng một phong cách độc đáo cho riêng mình”.

Nhằm tôn vinh những đóng góp của cố họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Công Thành đối với nền Mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp cùng gia đình ông tổ chức triển lãm với chủ đề “Tranh, tượng Lê Công Thành”, giới thiệu 45 tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Triển lãm kéo dài đến hết ngày 9/10/2019.

Bài và ảnh Trần Trung Sáng

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tranh-tuong-le-cong-thanh-92711.html