Tranh và… cửu vạn

Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2020 mở cửa đón khách kéo dài đến ngày 10/12, tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam - số 2, Hoa Lư, Vân Hồ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Dù vẫn là một cuộc triển lãm theo định kỳ 5 năm, do Cục Mỹ thuật và Nhiếp ảnh tổ chức, song sự kiện lần này đã ít nhiều khiến giới mỹ thuật nổi sóng.

Có điều lạ là cái cơ sự nổi sóng đó không phải vì triển lãm không tìm ra được tác phẩm xuất sắc để trao giải Nhất hay những tranh cãi về giải thưởng đã xứng đáng hay chưa mà vì cái nỗi tranh bị hỏng hóc trong quá trình vận chuyển và trưng bày. Rành rành từ phản ánh của các tác giả, ban tổ chức thừa nhận đã có một tác phẩm điêu khắc bị vỡ một góc nhỏ cùng hai bức sơn dầu, hai bức sơn mài bị xước, bị vấy sơn tường lên tranh. Nguyên do dẫn đến cái cơ sự này cũng nhanh chóng được luận giải, vì thiếu người nên ban tổ chức phải thuê nhân công bên ngoài, và...!

Cũng nhân đà sóng nổi, giới mỹ thuật vội than thêm rằng, đây là chuyện thường ngày ở… huyện, vì đâu phải đến triển lãm lần này mà hầu như triển lãm nào cũng có tranh bị hỏng hóc thậm chí tranh còn bị mất. Ở đây có một nghịch lý, nguyên do thì ai cũng biết mười mươi cớ sao vẫn ngậm bồ hòn để đến giờ mới kêu ca?

Rõ ràng, những sự cố ấy chẳng phải đều tại anh tại ả hay sao? Đấy là, anh thì thiếu trách nhiệm, tổ chức triển lãm cho xong, còn ả thì cũng không tận tình quan tâm chăm chút cho tác phẩm của mình. Thế nên, những tác phẩm nghệ thuật đương nhiên được phó mặc cho nhân công bên ngoài – thực ra phần lớn là những cửu vạn to khỏe chỉ biết khuân, vác, đóng, treo... chứ không hề có chút kiến thức gì về nghệ thuật, thì không dẫn đến những sơ suất, hỏng hóc tranh mới là chuyện lạ.

Thương tiếc đứa con tinh thần của mình đã dày công sáng tạo song lại thờ ơ trước mỗi bước đi của chúng thì những cha đẻ ấy cũng thật vô tâm. Nỗ lực tổ chức triển lãm để tôn vinh tác phẩm nghệ thuật, song lại để tác phẩm bị trầy xước, hỏng hóc, mất mát thì những bà đỡ nghệ thuật của Nhà nước cũng thật tắc trách, quan liêu. Thế thì, thay vì suốt ngày chỉ biết chỉ trích, đổ lỗi, bắt đền... tại sao mỗi bên không tự chuyên nghiệp hóa công việc của mình?

Đấy là với mỗi tác giả chẳng phải đã mất bao công sức để sáng tạo tác phẩm thì sao không biết bảo vệ chúng bằng cách mua bảo hiểm vận chuyển khi tham gia triển lãm? Còn với ban tổ chức, đừng đối xử vô cảm theo kiểu làm cho xong theo xuân thu nhị kỳ với các tác phẩm nghệ thuật mà hãy nghĩ đến việc chuyên nghiệp hóa mọi khâu – từ nhà triển lãm cho đến việc vận chuyển rồi thì trưng bày tranh... – dù rằng chẳng dễ. Mong rằng, từ đợt sóng này, câu chuyện tranh và... cửu vạn sẽ sớm được khép lại trong tương lai!

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/suy-ngam/tranh-va-cuu-van-nmCsON1Mg.html