Tranh vẽ Hồ Xuân Hương gợi dục bị dư luận phản ứng
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là nguồn cảm hứng cho hội họa; nhưng không phải tác phẩm nào cũng được công chúng đón nhận. Mới đây, một triển lãm tranh vẽ nữ sĩ bị chê dung tục.
Hội họa đã có những tác phẩm khắc họa nữ thi sĩ được đánh giá cao. Bên cạnh đó, không ít tác phẩm bị công chúng và giới chuyên môn phê bình gay gắt.
Những tác phẩm bị phản đối
Buổi triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng và đạo diễn Nguyễn Nghiêm Nhan được khai mạc ngày 21/7 tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam, trưng bày 25 bức tranh vẽ nữ sĩ. Theo hai nghệ sĩ, các bức tranh được lấy cảm hứng từ thơ và hình ảnh của chính Hồ Xuân Hương.
Tại khai mạc triển lãm, họa sĩ Nguyễn Nghiêm Nhan cho biết ông diễn tả cõi mơ của Hồ xuân Hương; đó là nỗi lòng, sự cô đơn, ôm ấp hoài niệm, là cá tính mạnh mẽ của bà.
Tuy nhiên chỉ 3 ngày sau khi ra mắt, giới chuyên môn và dư luận có những phản hồi về tính chất của các bức tranh. Một số bức tranh đã bị Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam gỡ khỏi triển lãm. Trước những tranh luận tiêu cực, hai họa sĩ đã quyết định đóng triển lãm.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - cho biết Hội tôn trọng tự do sáng tạo của các họa sĩ, cả về quan niệm, không gây cản trở nên có chút sơ sẩy.
TS Phạm Văn Tuấn - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - cho rằng một số họa phẩm của Nguyễn Nghiêm Nhan và Nguyễn Quốc Thắng đã thể hiện Hồ Xuân Hương có phần tầm thường và dung tục.
Ông nêu quan điểm: "Hồ Xuân Hương, dù là danh nhân hay không, thì trong thơ bà cũng không ăn mặc buông tuồng như thế này - đặc biệt trong thời đại của Nho giáo đậm đặc và văn hóa truyền thống Việt Nam đầy tính chất lễ nghi và nhân văn. Sự ẩn dụ trong thơ Hồ Xuân Hương đã trở nên tầm thường và dung tục, bậy bạ hết mức”.
Nhiều họa sĩ, người có chuyên môn hội họa cũng nhận định tranh không đẹp, thiếu chiều sâu cả về nội dung lẫn kỹ thuật. Có người còn thẳng thừng gọi đây là tranh khiêu dâm, xuyên tạc, chứ không có giá trị nghệ thuật.
Triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” không phải trường hợp hội họa đầu tiên khắc họa bà chúa thơ Nôm và bị công chúng “ném đá”. Hồi năm 2018, tạo hình Hồ Xuân Hương trong game card (trò chơi thẻ bài) Sử Hộ Vương cũng nhận làn sóng chỉ trích gay gắt.
Hình ảnh bị cho là tục tĩu, mang tính bôi nhọ nhân vật văn hóa. Giám khảo tại chương trình kêu gọi vốn để sản xuất dự án game card này đã nói: “Đừng bao giờ nhân danh giới trẻ làm méo mó những gì thuộc về văn hóa”. Ngoài sự hở hang, khêu gợi khiếm nhã, tạo hình này cũng bị lên án vì phong cách vẽ theo lối manga của Nhật, xuyên tạc quốc hồn quốc túy.
Nhóm thực hiện game card cho biết họ đưa ra tạo hình nhân vật như vậy vì đã đọc qua các tác phẩm đậm mùi xuân tình, táo bạo của bà chúa thơ Nôm. Tuy nhiên, dư luận vẫn không đồng tình, cho rằng hình ảnh hở hang chỉ có chút vải che thân của nhóm quá đỗi dung tục, không phù hợp với hình tượng một nữ sĩ thơ Nôm.
Công chúng khắt khe hay sản phẩm chưa phù hợp?
Nhiều ý kiến cho rằng thơ Hồ Xuân Hương gắn liền với chủ nghĩa phồn thực, thơ bà táo bạo nên tranh bà cũng phải táo bạo. Nhưng giữa táo bạo và tục tĩu, đâu là ranh giới xác định?
Hiển nhiên, vẫn có những họa phẩm được đón nhận tích cực. Như trường hợp tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông Lương Xuân Đoàn nhận định tranh Bùi Xuân Phái “cũng vẽ nữ sĩ yếm đào hớ hênh nhưng mang đến sự duyên dáng, không chút dung tục”.
Được biết, họa sĩ Bùi Xuân Phái thường vẽ ký họa theo người mẫu thực và có nghiên cứu cẩn thận, đặc tả cả đường nét hình thể lẫn gương mặt giàu nội tâm. Do vậy tranh nude của Bùi Xuân Phái thuyết phục được người xem. Người ta thường nhận định tranh cụ sống động, giàu tình cảm, nắm bắt được linh hồn thơ của Hồ Xuân Hương.
Họa sĩ Bùi Thanh Phương, con trai cố danh họa Bùi Xuân Phái từng trả lời báo Công an Nhân dân như sau: "Bộ tranh nude cuối đời của cha tôi cũng tương tự bộ tranh nude cuối đời của danh họa Picasso, đã gây bất ngờ cho giới hội họa. Điều quan trọng là chúng ta phải phân biệt được cái đẹp, cái hay của tranh nude nghệ thuật và loại tranh khỏa thân kiểu phàm tục. Nó cũng giống nhiều người thấy bất ngờ, choáng váng khi gặp trong một số đền đài Ấn Độ".
Ngoài Bùi Xuân Phái, các họa sĩ như Lê Lam hay Nguyễn Tuấn Sơn khi vẽ tranh nữ thi sĩ cũng được đón nhận, được đánh giá cao.
Dư luận không ném đá vì họa phẩm tả Hồ Xuân Hương hay vì họa phẩm vẽ nhân vật khỏa thân. Dư luận chỉ trích những họa phẩm mang tính thiếu tôn trọng nữ sĩ.
Ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục rất mong manh, chỉ những nghệ sĩ có mắt thẩm mỹ cao, kỹ thuật tốt mới kiểm soát được ý đồ họa phẩm của mình, sao cho người thưởng tranh cảm nhận được vẻ đẹp chứ không phải sự dung tục.
Hồ Xuân Hương là nữ sĩ bí ẩn trong dòng chảy nghệ thuật ở Việt Nam. Có nhiều đồn đoán xung quanh thân phận của bà, quanh mối quan hệ của bà với các văn nhân khác, trong đó có đại thi hào Nguyễn Du.
Bí ẩn là vậy, những áng thơ táo bạo, những ý thơ về thân phận người phụ nữ làm nên danh tiếng của bà chúa thơ Nôm, đưa bà trở thành một nguồn cảm hứng cho nhiều khắc họa nghệ thuật, đặc biệt là hội họa.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tranh-ve-ho-xuan-huong-goi-duc-bi-du-luan-phan-ung-post1338930.html