Tránh vỡ tiến độ dự án nâng cấp QL1 qua Hậu Giang - Sóc Trăng

Dù đã khởi công được gần 2 tháng nhưng hai địa phương Hậu Giang và Sóc Trăng vẫn chưa bàn giao mặt bằng để các nhà thầu thi công đồng loạt.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (ngoài cùng bên trái) nghe báo cáo về dự án

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm (ngoài cùng bên trái) nghe báo cáo về dự án

Ngày 17/02, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã kiểm tra hiện trường Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là TP. Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

Ông Bùi Đức Hòa - Trưởng phòng Quản lý dự án, Ban QLDA 7 (đại diện chủ đầu tư) cho biết, tuyến có điểm đầu tại Km2100 (điểm cuối dự án mở rộng QL1A đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp), điểm cuối tại Km2118+600 (điểm đầu tự án mở rộng QL1A đoạn qua địa bàn tỉnh Sóc Trăng), tổng chiều dài hơn 19 km.

Trong đó, tỉnh Hậu Giang có chiều dài hơn 8km và Sóc Trăng hơn 10km. Tổng mức đầu tư dự án gần 1.700 tỷ đồng, được khởi công vào cuối tháng 12/2021, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, hiện nay tất cả các thủ tục điều kiện thi công hoàn toàn đáp ứng nhưng dự án chưa có mặt bằng để thi công. Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất của hai tỉnh chỉ mới hoàn thành hồ sơ cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

Đến nay, vẫn chưa có khu tái định cư cho người dân, trong khi tỉnh Hậu Giang có 130 hộ, Sóc Trăng có 27 hộ, trong đó có 5 hộ tái định cư phân tán, 22 hộ tái định cư tập trung.

Trước tiến độ gắt gao của dự án và nhiệm vụ giải ngân lớn trong năm 2022, Ban QLDA 7 kiến nghị UBND tỉnh Hậu Giang xem xét, sớm ban hành chính sách hỗ trợ di dời đối với các công trình hạ tầng kỹ thuật để có cơ sở triển khai thực hiện.

Về công tác chi trả cho các hộ dân, Ban đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Hậu Giang chi trả nốt phần còn lại là 39 tỷ đồng trước ngày 20/02/2022, đồng thời tập trung bồi thường, chi trả khu vực xây dựng cầu Rạch Côn để bàn giao mặt bằng sớm nhất cho nhà thầu thi công kịp tiến độ.

Sơ đồ Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là TP. Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

Sơ đồ Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là TP. Ngã Bảy), tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

Đối với tỉnh Sóc Trăng, Ban đề nghị Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh khẩn trương thực hiện chi trả cho các hộ dân hoàn thành trước ngày 25/02/2022. Sau khi các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đề nghị UBND các huyện, xã có dự án đi qua đôn đốc, hỗ trợ các hộ dân khẩn trương tháo dỡ, di dời và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công tháng 3/2022.

Về công tác thi công, Ban QLDA 7 yêu cầu các nhà thầu hoàn thành công tác chuẩn bị (lán trại, mặt bằng bến bãi tập kết...), huy động xe máy, thiết bị thi công, nhân lực, vật tư, các thủ tục có liên quan, khẩn trương triển khai công tác các đoạn có mặt bằng, khoan cọc nhồi các vị trí trụ trên sông của các cầu để dự án kịp tiến độ.

Trước thông tin các đơn vị đưa ra, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm đã phê bình và nhắc nhở Trung tâm Phát triển quỹ đất của hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng khi để công tác GPMB cho dự án quá chậm, trong khi dự án đã có chủ trương phê duyệt từ lâu và công tác hỗ trợ tái định cư đã được đơn vị cam kết trong tháng sau sẽ thực hiện. Trên thực tế, thủ tục hoàn thành sẽ phải qua nhiều khâu, vì vậy các đơn vị cần điều chỉnh mốc thời gian hợp lý chứ không thể báo cáo suông.

“Chúng ta cứ đưa ra mốc dự kiến nhưng vấn đề là triển khai như thế nào để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả? Hiện nay, dự án còn ngổn ngang, quá nhiều việc cần giải quyết, trong khi đó lại vướng mặt bằng, đi qua đô thị đông đúc. Chưa kể, dự án vừa thi công vừa khai thác, do đó phải ưu tiên đảm bảo cuộc sống cho người dân, đảm bảo ATGT cho khu vực. Nếu nhìn vào thực tế, dự án khó có thể hoàn thành đúng theo kế hoạch”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm trăn trở.

"Tôi đề nghị Ban phải làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất của hai tỉnh và lãnh đạo các địa phương để xem hồ sơ đến đâu, những vị trí nào cần trước thì bàn giao trước. Điển hình như khu vực gói thầu xây dựng cầu nằm ngoài khu vực đông dân thì đơn vị phải sắp xếp công việc càng sớm càng tốt, tranh thủ từng phút từng ngày", Thứ trưởng chỉ đạo.

"Ban QLDA 7 là chủ đầu tư dự án thì trách nhiệm chính là từ Ban. Bộ GTVT và các đơn vị sẽ hỗ trợ, góp ý kiến, thúc các địa phương. Riêng trong năm 2022 và 2023 sắp tới, chúng ta có nguồn vốn từ chương trình phục hồi kinh tế. Do đó, thời gian này cần ưu tiên đẩy nhanh các công việc, có khối lượng cụ thể để hoàn thành tốt công tác giải ngân. Hai dự án tuyến tránh Cà Mau và nâng cấp QL1 nếu gom lại cũng gần 4.000 tỷ đồng. Do đó, Ban cần đôn đốc, làm việc với từng địa phương ưu tiên giải quyết mặt bằng”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm chỉ đạo.

Mỹ Lệ

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/tranh-vo-tien-do-du-an-nang-cap-ql1-qua-hau-giang--soc-trang-d94231.html