Transimex (TMS) muốn huy động vốn hơn 1.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu
Trong tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 của Công ty cổ phần Transimex (TMS - HOSE), HĐQT dự trình các phương thức huy động vốn gồm phát hành trái phiếu chuyển đổi, phát hành cổ phiếu riêng lẻ và phát hành trái phiếu trơn.
Cụ thể, với hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo cho các cổ đông hiện hữu với giá chào bán bằng mệnh giá là 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 2 năm, lãi suất 6%/năm.
Tổng khối lượng trái phiếu dự kiến chào bán là 2 triệu trái phiếu, được chia làm 2 đợt, mỗi đợt 1 triệu trái phiếu.
Đợt 1 vào quý IV/2020 và đợt 2 vào quý III/2021. Tỷ lệ phát hành dự kiến là 90:1, tức cổ đông sở hữu 90 cổ phần TMS thì có quyền mua 1 trái phiếu chuyển đổi (tỷ lệ này còn phụ thuộc vào số lượng cổ phiếu lưu hành tại thời điểm phát hành và số lượng trái phiếu phát hành thực tế của từng đợt).
Giá chuyển đổi được xác định bằng 80% giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán hoặc soát xét gần nhất tính đến ngày chuyển đổi, nhưng trong mọi trường hợp không cao hơn 15.000 đồng/cổ phiếu.
Như vậy, nếu cả 2 đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công, TMS có thể thu về 200 tỷ đồng.
Với phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, số lượng dự kiến chào bán tối đa bằng 15% số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành (thay đổi so với phương án đã được ĐHCĐ năm 2019 thông qua là 10%).
Giá chào bán không thấp hơn 1,3 lần giá trị sổ sách. Thời gian thực hiện trong năm 2020 và 2021. Với số lượng cổ phiếu đang lưu hành dự kiến vào cuối năm 2020 là 80,8 triệu cổ phiếu, TMS dự kiến thu về 418 tỷ đồng.
Đối với phương án phát hành trái phiếu trơn, TMS phát hành 400 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, giá phát hành bằng mệnh giá là 1 tỷ đồng/trái phiếu. Kỳ hạn trái phiếu từ 3 - 7 năm, lãi suất theo lãi suất thị trường. Thời điểm thực hiện trong năm 2020 và 2021.
Tổng lại, nếu thực hiện thành công 3 phương án phát hành trên thì Công ty có thể thu về 1.018 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, TMS dự kiến phát hành tối đa hơn 4,01 triệu cổ phiếu nhằm giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài về mức 49% nếu trong quá trình chuyển đổi đợt 2 trái phiếu TMSCB2017 vào tháng 6/2020 nhóm nhà đầu tư nước ngoài vẫn nắm giữ tỷ lệ sở hữu vượt quá 49%.
Về phân phối lợi nhuận năm 2019, TMS dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 20%, trong đó 5% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.
Năm 2020, TMS lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất 2.279 tỷ đồng, giảm 3% nhưng lợi nhuận trước thuế là 368 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2019. Tỷ lệ chi trả cổ tức 20%.
Trên thị trường, cổ phiếu TMS thường xuyên giao dịch với thanh khoản thấp, vài trăm đơn vị khớp lệnh/phiên. Đóng cửa phiên hôm nay 2/6, cổ phiếu TMS giảm 0,6% xuống 25.600 đồng/CP.