Trao 'cần câu' cho lao động nông thôn
Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở các lớp dạy nghề và giới thiệu việc làm, giúp lao động nông thôn có nghề, có việc làm, nâng cao thu nhập.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu, cho biết: Toàn huyện có hơn 75.300 người trong độ tuổi lao động, chiếm 64,11% dân số, phần lớn là lao động nông nghiệp. Với phương châm trao “cần câu” hơn cho “con cá”, UBND huyện đã khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo sát với thực tế phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, ưu tiên dạy nghề cho lao động nông thôn, đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, với các ngành nghề đào tạo, như: Trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng, may công nghiệp... Các chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm được triển khai hiệu quả, nên tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề tương đối cao.
Từ năm 2016 đến nay, huyện Mộc Châu đã tổ chức 23 lớp đào tạo nghề với gần 800 học viên; tổ chức gần 500 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất và điều kiện canh tác của từng địa phương cho hơn 15.200 lượt người. Thực hiện học đi đôi với hành, các học viên vừa học lý thuyết, vừa được thực hành ở cơ sở. Do đó chất lượng các lớp dạy nghề ngày càng nâng cao, sau học tập có trên 75% lao động áp dụng những kiến thức được học vào lao động sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho gia đình. Bên cạnh đó, sau khi được đào tạo nghề, một số học viên còn truyền đạt, hướng dẫn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân trong bản, trong xã để phát triển kinh tế.
Sau khi tham gia lớp dạy nghề kỹ thuật trồng trọt do huyện tổ chức, anh Mùa A Sửu, bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc đã áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc, thâm canh 1 ha mận của gia đình. Anh Sửu chia sẻ: Khi tham gia lớp đào tạo nghề, tôi đã biết và áp dụng các kỹ thuật bón phân, tỉa cành, phòng trị bệnh, nên cây ăn quả phát triển tốt, mùa mận năm nay, với 5.000 m² cây đã cho thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt khoảng 10 tấn quả, giúp gia đình có thêm nguồn thu đáng kể.
Không chỉ hỗ trợ đào tạo nghề, huyện Mộc Châu còn quan tâm công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề. Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tổ chức giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn. Tổ chức 31 hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm với sự tham gia của 4.700 lượt lao động nông thôn; tổ chức 3 ngày hội việc làm thu hút 49 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo và trên 3.700 lượt người lao động, ĐVTN và học sinh các trường THPT trên địa bàn tham gia. Từ nguồn Quỹ giải quyết việc làm, từ năm 2016 đến nay, huyện còn giải ngân hơn 23 tỷ đồng để các học viên sau học nghề có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng. UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp liên hệ với các doanh nghiệp và HTX cung cấp giống vật nuôi, cây trồng và bao tiêu sản phẩm của học viên.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Mộc Châu đã làm thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất hàng hóa, tạo cơ hội cho lao động nông thôn tìm kiếm việc làm, thay đổi cuộc sống. Huyện Mộc Châu đang tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến việc làm, chú trọng dạy nghề theo địa chỉ, theo hợp đồng và theo nhu cầu cần tuyển dụng của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề cao hơn mức trung bình của cả tỉnh và đạt trên 80% lao động có việc làm sau đào tạo theo chỉ tiêu của UBND tỉnh.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/trao-can-cau-cho-lao-dong-nong-thon-39410