Trao 'cần câu' giúp hội viên thoát nghèo

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Phú Bình đã triển khai nhiều việc làm thiết thực nhằm giúp hội viên thoát nghèo. Trong đó, chương trình cho vay bò nái sinh sản được thực hiện từ năm 2016 đến nay vẫn được hội viên ví như chiếc 'cần câu' để từng bước giúp họ thoát nghèo.

Gia đình bà Tạ Thị Tiếp xóm Đồng Hòa, xã Nga My (Phú Bình) là hộ đầu tiên có bê con bàn giao cho Quỹ và cũng đã có 1 con bê được bán, giúp gia đình vơi đi nhiều khó khăn.

Gia đình bà Tạ Thị Tiếp xóm Đồng Hòa, xã Nga My (Phú Bình) là hộ đầu tiên có bê con bàn giao cho Quỹ và cũng đã có 1 con bê được bán, giúp gia đình vơi đi nhiều khó khăn.

Chương trình cho hội viên nghèo vay bò nái được Hội Nông dân Phú Bình triển khai từ năm 2016, từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup). Đến năm 2018, Hội tiếp tục nhận được nguồn hỗ trợ của ông Tạ Xuân Dịp, Giám đốc công ty cổ phần Thái Phong, Hà Nội (là người con của quê hương Nga My).

Để việc quản lý đàn bò được hỗ trợ mang lại hiệu quả, Hội đã tham mưu cho UBND huyện thành lập Ban điều hành cấp huyện để chỉ đạo, hướng dẫn các xã quản lý, theo dõi. Theo chương trình này, sẽ ưu tiên hỗ trợ bò nái cho các hội viên nghèo, có điều kiện về chuồng trại, có lao động. Khi nhận bò nái, các hội viên sẽ chăm sóc đến khi bò đẻ bê con thứ nhất, Ban quản lý Quỹ sẽ bàn giao bê cho hội viên nghèo khác nuôi, nếu bò đẻ bê đực sẽ tiến hành bán thanh lý để mua bê cái bàn giao cho hội viên nghèo khác.

Bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: Tính đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 6,73%, tương đương với 2.591 hộ nghèo, trong đó số hộ nghèo do nông dân làm chủ hộ là 1.325 hộ. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là do thiếu vốn, tư liệu sản xuất và kiến thức… Do đó, việc thực hiện hỗ trợ bò nái sinh sản cho hội viên nghèo được xem là phù hợp với điều kiện và khả năng chăm sóc của phần đông các gia đình.

Đến nay, số bò của 2 chương trình là 190 con, trong đó bò của Quỹ Thiện Tâm là 141 con, được triển khai ở 8 xã (Bàn Đạt, Úc Kỳ, Nga My, Tân Hòa, Tân Kim, Tân Đức, Xuân Phương, Tân Thành); còn lại là của Quỹ Xuân Dịp với 49 con, tại 4 xã (Nga My, Tân Thành, Đào Xá, Bảo Lý). Trong quá trình thực hiện của cả hai chương trình, các hộ dân tham gia đã được tập huấn khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách chăm sóc bò từ khi còn nhỏ đến lúc chửa đẻ và nuôi con. Đến nay, có 95 con bò đã đẻ, 30 con đang chửa.

Là hộ đơn thân, sức khỏe yếu nên bà Tạ Thị Tiếp, xóm Đồng Hòa, xã Nga My rất phấn khởi khi được hỗ trợ bò nái từ Hội Nông dân. Bà cho biết: Nhà chỉ có 2 sào ruộng, trong khi tôi sức khỏe yếu, không thể đi làm thuê kiếm tiền nuôi con ăn học. Thế nên, khi được hỗ trợ, tôi tập trung chăm sóc để bò nái phát triển tốt. Sau khi bò nái sinh bê con đầu tiên, gia đình đã bàn giao con bê đó cho Quỹ. Sau đó, con bò mẹ lại đẻ được con bê thứ 2. Sau 8 tháng chăm sóc, tháng 6 vừa qua, con bê thứ 2 đó đã được bán với giá 14 triệu đồng. Với số tiền này, tôi đã có điều kiện để trả nợ, mua sách vở, xe đạp cho con gái chuẩn bị vào năm học mới và mua cám cho bò nái. Nhờ vậy mà cuộc sống của mẹ con tôi giờ đã vơi bớt khó khăn.

Ông Đặng Văn Ngọ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nga My, đơn vị được thụ hưởng cả 2 chương trình hỗ trợ bò nái cho biết: Nga My có số bò nái được hỗ trợ nhiều nhất, với 35 con. Đến nay, đã có 27 con sinh bê con, 13 con bê đã được bàn giao. Các hội viên nông dân khi được tham gia chương trình rất phấn khởi, bê con được bàn giao đều khỏe mạnh. Nhờ có chương trình này mà 5 hội viên nông dân đã thoát nghèo.

Bà Dương Thị Sâm, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Bình cho biết: Chương trình hỗ trợ cho vay bò giống sinh sản từ khi triển khai đến nay đã giúp 47 hộ thoát nghèo như: ông Đinh Hồng Quân ở xóm Đồng Ca xã Tân Hòa, bà Lý Thị Loan xóm vàng Ngoài xã Tân Hòa, ông Hứa Văn Thềm xóm Giàn xã Tân Hòa, ông Nguyễn Văn Thực xã Nga My… Bên cạnh đó, chương trình còn góp phần thu hút và tập hợp được nhiều hội viên tham gia sinh hoạt Hội.

Ông Tạ Xuân Dịp, Giám đốc công ty cổ phần Thái Phong, đơn vị tài trợ quỹ bò nái Xuân Dịp chia sẻ: Là người con sinh ra và lớn lên tại vùng đất Nga My, chúng tôi thấu hiểu những khó khăn mà các hộ nghèo gặp phải. Vì thế, chúng tôi quyết định thay đổi hình thức hỗ trợ từ quà và tiền sang bò nái cho hộ nghèo, để họ có điều kiện thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Chi (Phú Bình)

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/trao-%E2%80%9Ccan-cau%E2%80%9D-giup-hoi-vien-thoat-ngheo-265363-108.html