Trao 'cần câu' xóa nghèo bền vững ở Bắc Mê

Nhằm tạo hướng đi vững chắc cho người dân, đặc biệt là những hộ nghèo tại huyện Bắc Mê; nhiều xã, thị trấn đã linh hoạt trong việc dùng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của địa phương hỗ trợ các hộ dân, xây dựng mô hình kinh tế. Tuy chương trình mới được triển khai nhưng đã tạo những hiệu quả bước đầu, góp phần khuyến khích người dân phát triển kinh tế.

Anh Dương Văn Tâm, thôn Bản Lầng, xã Yên Phong trồng bưởi Da xanh.

Anh Dương Văn Tâm, thôn Bản Lầng, xã Yên Phong trồng bưởi Da xanh.

Từ nguồn vốn hiện có, mỗi xã, thị trấn có một cách làm với những quan điểm và chỉ đạo riêng để phát triển sản xuất cho phù hợp với điều kiện tự nhiên. Cụ thể, tại xã Yên Phong sử dụng nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp vào thực hiện mô hình trồng bưởi Da xanh, bưởi Diễn tại thôn Bản Lầng; thị trấn Yên Phú thực hiện mô hình trồng Xạ đen, cây Đu đủ, trồng Dảo cổ lam tại thôn Nà Phia; xã Lạc Nông thực hiện mô hình trồng lúa Việt Lai 20 tại thôn Bản Khén; xã Yên Cường xây dựng kế hoạch làm 2 vườn ươm tại thôn Bản Trà, Bản Túm và lò sấy măng khô tại thôn Bản Chung... Tuy mới triển khai từ đầu năm 2019, nhưng với mỗi cách làm khác nhau trong việc phân bổ vốn đã và đang tạo nên bức tranh đa dạng trong việc phát triển kinh tế, thế mạnh riêng của từng xã, thị trấn.

Tại xã Yên Phong, với nguồn vốn sự nghiệp hàng năm, xã trích 50 triệu đồng để đầu tư xây dựng một mô hình cụ thể. Theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã: “Trong năm 2019, xã đã sử dụng 50 triệu đồng cho 6 hộ dân vay vốn mua cây giống. Xã lựa chọn những đối tượng là những hộ nghèo, cận nghèo, có nguồn lao động, có chí hướng và ham học hỏi vươn lên làm giàu. Cách làm này vừa giúp xã hình thành những mô hình kinh tế hiệu quả, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đồng thời tạo cho người dân một sinh kế mới, tạo nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống...”.

Cùng với cách làm trên, tại xã Yên Định nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp của xã được giao cho các ban, ngành, đoàn thể cùng tập trung hỗ trợ và giúp đỡ các hộ phát triển mô hình sẵn có, để từ đó nhân rộng và giúp mô hình trở nên quy mô và hiệu quả hơn. Chị Nguyễn Thị Dung, Bí thư Đoàn xã - đơn vị được giao phụ trách nguồn vốn trong năm 2019, cho biết: “Đoàn viên, thanh niên với lợi thế là có sức trẻ và ham muốn làm giàu, nhưng chưa có số vốn tích lũy, nên các mô hình còn nhỏ lẻ, chưa tạo hiệu quả về kinh tế. Với nguồn vốn hỗ trợ 50 triệu đồng của xã, Đoàn xã đã phối hợp với Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh cùng các ban, ngành lựa chọn 2 hộ điển hình làm điểm hỗ trợ. Theo đó đã hỗ trợ hộ gia đình anh Nguyễn Văn Hiên 25 triệu đồng để phát triển đàn lợn; anh Nguyễn Văn Kim 15 triệu đồng nuôi gà. Cùng với nguồn vốn của xã, các hộ bỏ thêm vốn để xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô. Với cách làm trên đã khích lệ, tạo thêm nguồn thu nhập cho các hộ dân...”.

Là hộ dân được hỗ trợ hơn 300 cây bưởi giống, anh Dương Văn Tâm, thôn Bản Lầng (xã Yên Phong) chia sẻ: “Được nghe, xem nhiều trên sách báo, truyền hình về những mô hình hiệu quả, đặc biệt là những vườn cây trĩu quả. Với lợi thế nhà có diện tích đất đồi chưa sử dụng, nhưng không có nguồn vốn nên chỉ bỏ không. May mắn gia đình được xã lựa chọn và vận động đưa giống cây mới vào trồng. Tiếp nhận số cây giống, mình đã học hỏi thêm trên mạng về cách chăm sóc giống bưởi Da xanh; tuy mới trồng được hơn 2 tháng, hiện cây phát triển tốt...”.

Có thể nói, tuy số vốn nhỏ, nhưng với cách làm mới trong việc hỗ trợ có thu hồi, hỗ trợ về kỹ thuật đã giúp người dân gỡ bỏ được một phần khó khăn và thúc đẩy họ phát triển kinh tế, cùng với đó giúp địa phương tìm ra những mô hình kinh tế hiệu quả phù hợp và có thể nhân rộng.

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/201908/trao-can-cau-xoa-ngheo-ben-vung-o-bac-me-749334/