Trao cơ hội cho kinh tế tư nhân
Chương trình 'Đối thoại 2045' diễn ra chiều 6/3 tại TPHCM thực sự khơi nguồn mạch phát triển mới cho doanh nghiệp tư nhân (DNTN). Tiền Phong ghi nhận một số ý kiến đáng chú ý của DNTN tại chương trình 'Đối thoại 2045'.
Ông Đỗ Minh Phú:
Nhiều tập đoàn tư nhân đã đảm nhận vai trò đầu tàu
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong nói: Trong năm 2020, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô nền kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 343 tỷ USD, đứng thứ 4 ASEAN và thu nhập bình quân đầu người đạt 3.521 USD. Như vậy, chúng ta đặt mục tiêu 2025 GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000 USD và năm 2030 đạt 7.500 USD, đến năm 2045 Việt Nam sẽ vượt qua mức 12.000 USD để trở thành nước có thu nhập cao. Mục tiêu trên sẽ đạt được nếu chúng ta duy trì tốc độ tăng trưởng GDP liên tục giai đoạn 2020 - 2030 ở mức 6 - 6,5%, giai đoạn 2030 - 2045 ở mức 5,5 - 6%.
Theo số liệu dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số của Việt Nam năm 2045 vào khoảng 107 triệu người. Như vậy, quy mô nền kinh tế Việt Nam vào năm 2045 vào khoảng 1.778 tỷ USD, tương đương Hàn Quốc vào năm 2018. Như vậy, để đạt mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao cần có sự đổi mới quyết liệt và mạnh mẽ về thể chế, cần có sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ, bứt phá về năng suất chất lượng hiệu quả, sức cạnh tranh và cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Đảng và Nhà nước đã đặt kinh tế tư nhân (KTTN) vào đúng vị thế và vai trò của KTTN theo hướng ngày càng tích cực.
Cuối năm 2019, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư KTTN chiếm 42% GDP, là khu vực KTTN đã tạo ra 85% việc làm cho nền kinh tế. Và đến năm 2030, theo dự báo KTTN chiếm 60% GDP trong tỷ trọng nền kinh tế. Như vậy KTTN, DNTN có sứ mệnh rất quan trọng và trách nhiệm nặng nề trong sự nghiệp phát triển kinh tế thực hiện mục tiêu đến năm 2030 và 2045…
DNTN ngày nay không chỉ còn tham gia những ngành thâm dụng lao động giản đơn mà họ đã thực hiện các công trình lớn, tham gia vào các công đoạn phức tạp trong công nghệ. Nhiều tập đoàn KTTN đã đảm nhận vai trò đầu tàu ở những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế. Vì vậy, nếu được trao cơ hội, DNTN chắc chắn sẽ hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ khó khăn được giao phó.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn:
Ngày càng có nhiều doanh nhân xuất sắc
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn là giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết: 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu “tầm nhìn” năm 2045. 25 năm trước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức cao khoảng 9,3%/năm. Tuy nhiên, sau đó, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nên tăng trưởng chậm lại. Những năm gần đây, Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh khoảng 7%/năm, thuộc tốp cao nhất thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá như ngôi sao đang lên. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ gần đạt chuẩn thu nhập cao của thế giới.
Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra các thành phần và kinh tế trong nước DN Việt Nam phải là chủ đạo. Sự giàu có của người dân Việt Nam, sự phát triển của cộng đồng DN Việt Nam là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045.
Chính phủ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiến tạo, hỗ trợ, thúc đẩy bằng nhiều chính sách đặt trong cái tâm của nhà lãnh đạo phục vụ nhân dân. Tôi đặt niềm tin Việt Nam sẽ ngày càng có nhiều những doanh nhân xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự tổ quốc.
Tại buổi đối thoại, tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo nói: “Quốc gia đổi mới, cải cách sẽ thu hút được các nguồn lực để phát triển tốt. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng...”. Còn ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển KTTN của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng cho rằng, về chính sách và trong chiến lược, Việt Nam phải tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/trao-co-hoi-cho-kinh-te-tu-nhan-1803217.tpo