Trao cơ hội giúp hội viên phụ nữ Can Lộc thoát nghèo
Quản lý có hiệu quả nguồn ủy thác, tín chấp qua các ngân hàng, quỹ phát triển với tổng dư nợ trên 667 tỷ đồng, các cấp hội phụ nữ ở Can Lộc (Hà Tĩnh) đã và đang trao cơ hội giúp nhiều hội viên thoát nghèo.
Đến thời điểm hiện tại, chị Nguyễn Thị Lưu ở thôn Liên Tài Năng, xã Tùng Lộc vừa trả xong món nợ 50 triệu đồng từ khoản vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Nguồn vốn còn lại của chị sau 5 năm được chi hội phụ nữ tạo điều kiện tín chấp qua ngân hàng là 2 con bò. Quan trọng nhất là gia đình chị đã thoát nghèo.
Chị Lưu chia sẻ: “Cách đây 5 năm, sau thời gian dài ốm đau bệnh tật, chồng tôi qua đời, 2 năm trước, đứa con lớn cũng đột ngột mất đi, cảnh nhà đã khó khăn lại càng thêm bi đát. Trong suốt thời gian ấy, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ chị em. Sự động viên tinh thần, hỗ trợ về vật chất và việc kết nối để tôi có được nguồn vốn ưu đãi, phát triển chăn nuôi đã giúp tôi vươn lên trong cuộc sống”.
Cũng từ nguồn vốn ủy thác tín chấp qua các ngân hàng của hội phụ nữ, chị Hà Thị Đào ở thôn Liên Tài Năng đã có cơ hội mở rộng quy mô chăn nuôi, sản xuất để nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Chị Đào cho biết: “Từ nguồn vay 150 triệu đồng cùng với vốn tích lũy của gia đình, tôi đã mở rộng mô hình nuôi bò nhốt lên 7 con, nâng tổng nguồn thu mỗi năm khoảng 100 triệu đồng”.
Là một trong những địa phương được đánh giá phát huy có hiệu quả các nguồn vốn, đến thời điểm hiện tại, Hội LHPN xã Tùng Lộc đã quản lý nguồn vốn vay hơn 50 tỷ đồng từ các ngân hàng chính sách xã hội, nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho gần 600 hội viên có nhu cầu vay vốn.
“Nhờ thường xuyên kiểm tra giám sát và chỉ đạo các tổ vay vốn duy trì các hoạt động tiết kiệm, việc thu lãi gốc ở Tùng Lộc được thực hiện tốt, không có tình trạng nợ quá hạn. Nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, bình quân mỗi năm góp phần giúp 5 hộ thoát nghèo” - Chủ tịch Hội LHPN xã Tùng Lộc Võ Thị Hồng thông tin.
Tại xã Thuần Thiện, nguồn vốn vay hơn 40 tỷ đồng tín chấp qua các ngân hàng cũng đã giúp hơn 600 hội viên phụ nữ tại 18 tổ vay vốn có điều kiện đầu tư xây dựng vườn mẫu, trang trại, sản xuất, chăn nuôi. Theo đó, mỗi năm, toàn xã có thêm 6 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Chị Võ Thị Minh ở thôn Cứu Quốc cho hay: “Tôi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thông qua tín chấp của hội phụ nữ xã từ năm 2019 với mục đích để xây dựng vườn mẫu. Ngày ấy, cảm giác vay 50 triệu đồng để đầu tư làm vườn cũng hơi liều nhưng vì mong muốn có thêm nguồn thu nhập từ vườn nên tôi rất quyết tâm. Việc quy hoạch các khu chăn nuôi gà, bồ câu hợp lý, hệ thống tưới tự động để phục vụ hoa màu theo mùa vụ... đã giúp chúng tôi tạo cảnh quan nhà sạch, vườn đẹp, đồng thời cho thu thập ổn định với hơn 100 triệu đồng/năm”.
Theo số liệu của Hội LHPN huyện Can Lộc, đến thời điểm hiện tại, các cấp hội đang quản lý nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội và Quỹ Phát triển với tổng dư nợ trên 667 tỷ đồng, cho 7.886 thành viên vay. Việc huy động và quản lý có hiệu quả nguồn ủy thác, tín chấp đã thúc đẩy phong trào xây dựng, phát triển mô hình kinh tế. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, các cấp hội phụ nữ ở Can Lộc đã xây dựng mới hơn 50 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm; giúp gần 100 hội viên thoát nghèo.
Từ sự chỉ đạo của Hội LHPN huyện, các cấp hội phụ nữ cơ sở đã tiến hành khảo sát, phân loại nhu cầu vay vốn của các hội viên để xây dựng kế hoạch và biện pháp giúp đỡ phù hợp. Cùng với các nguồn vay, phụ nữ các cấp còn duy trì các hoạt động hỗ trợ mô hình sinh kế, trao tặng cây, con giống cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Sự quan tâm của các cấp hội và khát vọng vươn lên thay đổi cuộc sống của hội viên là yếu tố để các nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng, nâng cao thu nhập cho người dân theo tiêu chí mới.