Trao đổi, chia sẻ các ý tưởng giáo dục môi trường của Việt Nam và Đài Loan

Đó là mục đích của chuỗi các sự kiện trong khuôn khổ chương trình trao đổi mạng lưới giáo dục môi trường Việt Nam - Đài Loan 2019.

Ngày 22/8, Tọa đàm Mạng lưới giáo dục môi trường Việt Nam - Đài Loan 2019 đã diễn ra tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường.

Chương trình được tổ chức bởi Viện nghiên cứu Việt Nam-Đài Loan (Đại học Quốc gia Đông Hoa, Đài Loan) và Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và các Vấn đề xã hội (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Nhân phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Đỗ Thơm

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Nhân phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Đỗ Thơm

Tham dự buổi tọa đàm có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Quý Nhân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường;

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội;

Bà Pei-Yu Wu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Đài Loan cùng một số sinh viên của 2 trường.

Tại phần trao đổi, các sinh viên xuất sắc đến từ Đài Loan và Việt Nam đã thảo luận về các vấn đề giáo dục môi trường của hai nước, phát huy sức sáng tạo nhằm đưa ra các giải pháp để cải thiện lĩnh vực giáo dục môi trường cũng như bảo vệ môi trường nói chung.

Bà Pei-Yu Wu. Ảnh: Linh Đan

Bà Pei-Yu Wu. Ảnh: Linh Đan

Các bạn sinh viên thảo luận xung quanh các chủ đề chính bao gồm: biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng văn hóa, sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường.

Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội chia sẻ:

“Chương trình giáo dục môi trường Việt Nam – Đài Loan là sáng kiến của Viện nghiên cứu Việt Nam – Đài Loan được thành lập dưới sự hợp tác của Trường Đại học Quốc gia Đông Hoa (Đài Loan) và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chúng tôi thảo luận với nhau và cùng đi đến thống nhất hợp tác đầu tiên là hoạt động thúc đẩy vấn đề môi trường, trong đó giáo dục môi trường đối với lớp trẻ là cần tập trung trên hết”.

Sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Linh Đan

Sinh viên Đại học Tài nguyên và Môi trường trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Linh Đan

Trong thông báo phát đi từ ban tổ chức chương trình nhấn mạnh, trong vài thập kỷ qua, khu vực Đông Nam châu Á đã trải qua nhiều biến đổi khác nhau. Một trong những thay đổi quan trọng là khu vực mở rộng ra thị trường thế giới và bắt đầu chuyển đổi kinh tế xã hội.

Đi cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội là việc khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên dẫn đến khủng hoảng môi trường.

Tuy nhiên, các chiến lược đầu tư quốc tế trong việc thiết lập các ngành công nghiệp ô nhiễm và hóa chất phức tạp để kiếm lợi nhuận, mà không cân bằng chi phí xã hội thậm chí làm xấu đi môi trường khu vực.

Vì chúng ta là người được ủy thác thiên nhiên của trái đất, chúng ta phải trao lại một môi trường lành mạnh cho các thế hệ tiếp theo của chúng ta.

Do đó, chương trình kết nối Giáo dục Môi trường được đề xuất là để chia sẻ ý tưởng giáo dục môi trường, tương tác và hỗ trợ giáo dục vì sự phát triển bền vững và sử dụng nó như một mô hình thí điểm, sau đó nhân rộng ở quốc gia và khu vực khác.

Mục tiêu của chương trình là xây dựng mạng lưới giáo dục môi trường của Đài Loan và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục vì sự phát triển bền vững.

Đỗ Thơm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/trao-doi-chia-se-cac-y-tuong-giao-duc-moi-truong-cua-viet-nam-va-dai-loan-post201756.gd