Trao đổi công tác giáo dục giữa 4 tỉnh biên giới Việt Nam với Quảng Tây (Trung Quốc)Tin khácNgành giáo dục tận dụng thời gian 'vàng' để dạy họcĐảm bảo chất lượng thuốc, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Ngày 9/9, Sở Giáo dục Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) Chủ trì phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh, Xã hội các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang (Việt Nam), tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi về công tác giáo dục.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đại diện lãnh đạo và cán bộ chuyên môn Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh, Xã hội và các trường THPT, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trường Cao đẳng nghề Lạng Sơn.
Thời gian qua, thực hiện chương trình đã ký kết giữa các bên (năm 2020), công tác trao đổi, hợp tác về phát triển giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều khởi sắc. Theo báo cáo, hiện nay các trường đại học, cao đẳng tại Quảng Tây (Trung Quốc) đang thực hiện đào tạo cho hơn 1.360 sinh viên Việt Nam (tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên hiện chỉ có 16 sinh viên Việt Nam đang học tập trực tiếp tại Quảng Tây). Cùng đó, 4 tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang cũng đã tạo điều kiện, cấp học bổng cho nhiều học sinh, sinh viên Quảng Tây có nhu cầu học tập được theo học tại các trường đại học ở Việt Nam.
Đối với tỉnh Lạng Sơn, từ năm 2011 đến nay, có 105 học sinh tham gia đào tạo trình độ đại học và 32 cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo trình độ thạc sỹ… theo chương trình học bổng của Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Cùng đó, hằng năm tỉnh Lạng Sơn duy trì cấp 5 suất học bổng cho học sinh Quảng Tây có nhu cầu học tại Việt Nam. Từ năm 2015 đến nay, đã có 21 lưu học sinh Quảng Tây được cấp học bổng và theo học tại các trường đại học ở Việt Nam.
Tại hội nghị, các đại biểu 2 bên đã trao đổi, bàn về các vấn đề trong hợp tác giáo dục, nhất là công tác đào tạo học sinh, sinh viên giữa Quảng tây với 4 tỉnh biên giới Việt Nam; trao đổi công tác giáo dục nghề nghiệp, hợp tác đào tạo nghề cho sinh viên 2 bên; thảo luận về chương trình trao học bổng giáo dục cho học sinh, sinh viên; chia sẻ cách thức tổ chức công tác giáo dục trong bối cảnh dịch COVID-19; trao đổi hợp tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về công tác giáo dục nghề nghiệp; tổ chức thực tập và đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên các tỉnh biên giới Việt Nam tại Quảng Tây.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, 2 bên thống nhất sẽ tiếp tục duy trì các nội dung đã được ký kết và cơ chế định kỳ trao đổi giữa 2 bên; tiếp tục thực hiện Chương trình trao học bổng đào tạo cán bộ và học sinh, sinh viên; tăng cường tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Trung và tiếng Việt giữa 2 bên; đẩy mạnh trao đổi công tác giáo dục giữa các trường Đại học của Quảng Tây với các trường cao đẳng, đại học 4 tỉnh biên giới Việt Nam; thành lập liên minh giáo dục nghề nghiệp để chia sẻ, hợp tác trong giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề. Đồng thời, sẽ tham mưu với các cấp lãnh đạo để du học sinh Việt Nam (đã tiêm đủ 2 mũi Vaccine Vero cell) quay trở lại các trường đại học tại Quảng Tây và du học sinh Quảng Tây quay trở lại Việt Nam để hoàn thành khóa học.