Trao đổi, kết nối, chuẩn bị nhân lực về trí tuệ nhân tạo và dữ liệu số
Ngày 28/3, tại Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) phối hợp cùng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo (ABAII) tổ chức Hội thảo 'Nuôi dưỡng nhân tài trong kỷ nguyên AI và Blockchain'.
Hội thảo có sự tham gia của khoảng 500 nhà nghiên cứu, nhà khoa học, giảng viên và sinh viên tại thành phố Đà Nẵng, quan tâm, tìm hiểu về các lĩnh vực trong công nghệ số. Đây là hoạt động thứ 3 trong chuỗi chương trình mang tên UniTour 2024 của Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo, dự kiến sẽ tổ chức tại 30 trường Đại học trên cả nước, nhằm phổ cập Blockchain và AI cho 100.000 sinh viên.
Tại Hội thảo, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm Ủy ban Ứng dụng Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam có bài trình bày với chủ đề “Vai trò của Blockchain trong định danh số và tăng cường an ninh mạng nhằm mục tiêu xây dựng một tương lai công nghệ số an toàn”.
Theo ông Dinh, Blockchain là một thuật ngữ chỉ hệ thống cơ sở dữ liệu phân tán, được thiết kế để ghi lại và xác nhận các dữ liệu. Blockchain được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực như y tế, chuỗi cung ứng, nhưng ứng dụng lớn nhất hiện nay là trong lĩnh vực tài chính. Cụ thể, Blockchain tạo nên các hình thái tài sản mới như tiền mã hóa, tài sản mã hóa, tài sản ảo… đòi hỏi những thay đổi lớn về mặt pháp lý trên quy mô toàn cầu.
Ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo đã chia sẻ góc nhìn về việc trí tuệ nhân tạo (AI) đang định hình lại thế giới. Theo ông Thành, ảnh hưởng của AI thời gian qua lớn đến mức buộc Chính phủ Mỹ phải ban hành riêng một sắc lệnh hành pháp về công nghệ này, còn Liên minh châu Âu đã thông qua luật điều chỉnh AI. Tại Việt Nam, AI tạo ra cơ hội mới, cũng đặt ra thách thức đòi hỏi các cấp quản lý, các ngành nghề tìm kiếm giải pháp ứng dụng phù hợp, nhằm tối ưu lợi thế của công nghệ này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Trong chương trình thảo luận, các chuyên gia và đại diện Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng lắng nghe những ý kiến, câu hỏi của các bạn sinh viên về cơ hội việc làm, định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên AI và Blockchain. Hiện nay, kỹ sư công nghệ đang là một trong những nghề nghiệp hấp dẫn với sự săn đón từ các công ty, tập đoàn lớn toàn cầu như Google, OpenAI, Netflix… Tại các nước Âu Mỹ, kỹ sư công nghệ có thể nhận mức lương cao trên 200.000 USD/năm, còn tại Việt Nam, các kỹ sư công nghệ có thể đạt mức lương lên tới 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số trong công việc, đạt thành tựu cao, các sinh viên, thế hệ trẻ cần tự trau dồi thêm các kiến thức, kỹ năng mới, tiệm cận với nhu cầu hiện nay của thế giới.
Chiều cùng ngày, Hiệp hội Blockchain Việt Nam ra mắt Văn phòng đại diện Đà Nẵng tại tòa nhà Software Park (quận Hải Châu).
Theo ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cùng với Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là một trong những trung tâm công nghệ cao trọng yếu của cả nước với mục tiêu đạt 10-15% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2025-2030. Việc đặt văn phòng đại diện thứ ba của Hiệp hội tại Đà Nẵng sẽ góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tại thành phố có thêm cơ hội kết nối, trao đổi thông tin thị trường, mở rộng mạng lưới, cơ hội đầu tư, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội tại địa phương và trên cả nước.
Tại buổi lễ, Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) đầu tiên với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), về việc cung cấp các khóa đào tạo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho các doanh nghiệp thành viên của VCCI Đà Nẵng, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự, tăng cường hiệu suất công việc và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.