Trao đổi nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng

Hỏi: Đảng viên A. gửi đơn tố cáo đảng viên Nguyễn Văn B. - Phó Bí thư TT Đảng ủy phường H. vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống đến UBKT Thành ủy P. Sau khi gặp người tố cáo thấy đơn có đủ điều kiện giải quyết theo quy định nên UBKT Thành ủy đã thành lập đoàn giải quyết tố cáo. Trong quá trình giải quyết, khi được trao đổi, phân tích những nội dung trong đơn, đảng viên A. đã tự nguyện rút đơn tố cáo (bằng văn bản). UBKT Thành ủy P. chấp nhận việc rút đơn tố cáo và kết thúc việc giải quyết. Tuy nhiên, sau một thời gian, đảng viên A. suy nghĩ lại và gửi đơn đề nghị BTV Thành ủy P. giải quyết tố cáo nội dung tố cáo trước đây (nội dung đơn tố cáo đã rút). Vậy, tổ chức Đảng phải xử lý trường hợp này như thế nào?

Trả lời: Khoản 7, Điều 20, Quy định số 22-QĐ/TW, ngày 28/7/2021 của BCH T.Ư về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng quy định: "Không giải quyết đơn tố cáo nặc danh, giấu tên, mạo tên, không rõ địa chỉ, không rõ nội dung và đơn tố cáo có tên đã được cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận hoặc đã có thông báo không xem xét giải quyết; đơn tố cáo do người tố cáo đã tự nguyện rút đơn nay tiếp tục tố cáo lại nhưng không có thêm nội dung, tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất sự việc...".

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp câu hỏi nêu, đảng viên A. gửi đơn tố cáo, tự nguyện rút đơn tố cáo nhưng sau đó lại tố cáo, không cung cấp thêm nội dung, tài liệu, chứng cứ mới làm thay đổi bản chất sự việc thì thuộc một trong các trường hợp đơn tố cáo không giải quyết. Vì vậy, trong trường hợp này, tổ chức Đảng không phải giải quyết theo quy định.

B.T.N

(Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/290/159068/trao-doi-nghiep-vu-cong-tac-kiem-tra,-giam-sat-cua-dang.htm