Trao Giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch' lần thứ hai
Tối 28/8, Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch' lần thứ hai, năm 2024 đã diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ban tổ chức đã trao 5 giải Nhất, 15 giải Nhì, 24 giải Ba và 50 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả. Phóng viên Nguyễn Thị Hoa, Báo Công an Nhân dân được trao giải Ba với loạt bài 'Khơi thông nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa'.
Đến dự lễ trao giải có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Thành Long, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); Lê Quốc Minh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Phạm Tất Thắng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Trung ương; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, cùng đông đảo các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí, các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải...
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ hai năm 2024 do Bộ VHTTDL phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức. Đây là hoạt động hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), nhằm ghi nhận và tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân, đội ngũ những người làm báo và phát hiện những điển hình tiên tiến, kịp thời cổ vũ, động viên cán bộ toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển VHTTDL.
Năm nay, Ban tổ chức Giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan báo chí, các phóng viên nhà báo, các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước với 920 tác phẩm tham dự. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành được phát động trong thời gian ngắn. Điều này thể hiện sự nhiệt tình, quan tâm đặc biệt của các nhà báo, của công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Tiểu ban Thư ký - Tổng hợp đã tiến hành rà soát, sàng lọc và loại 26 tác phẩm vi phạm Thể lệ Giải, chọn 894 tác phẩm vào vòng Sơ khảo, bao gồm 258 tác phẩm báo in, 234 tác phẩm báo điện tử, 92 tác phẩm phát thanh, 222 tác phẩm truyền hình và 87 tác phẩm báo ảnh.
Sau 10 ngày thẩm định, thảo luận và chấm tác phẩm, Hội đồng Sơ khảo đã lựa chọn được 119 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng Chung khảo, bao gồm 27 tác phẩm báo in, 26 tác phẩm báo điện tử, 22 tác phẩm phát thanh, 25 tác phẩm truyền hình và 19 tác phẩm báo ảnh. Theo đánh giá của Hội đồng Sơ khảo, tác phẩm dự Giải không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí lớn, nhỏ ở cả Trung ương và địa phương. Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2023 - 2024 trong lĩnh vực VHTTDL và gia đình.
Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, khai thác như vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tình hình mới. Vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; thực trạng của của ngành thể thao và du lịch Việt Nam giai đoạn hậu COVID-19. Vấn đề gìn giữ và phát huy, bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa 54 dân tộc nói riêng; xây dựng nền công nghiệp giải trí, thị trường điện ảnh, thị trường sách và văn hóa đọc; phát triển du lịch, thể thao, xây dựng gia đình, bảo vệ trẻ em…
Vấn đề chuyển đổi số trong trong lĩnh vực văn hóa, những mô hình hay, cách làm tốt trong phát triển du lịch, văn hóa, thể thao…; đề tài về gia đình, về truyền thống hiếu học với những tấm gương nhân vật sống hiếu thảo, nghĩa tình với cha mẹ; hướng độc giả tới những giá trị chân - thiện - mỹ của cuộc sống… Các bài viết đi sâu vào phân tích những nội dung cụ thể, nêu bật hiện trạng, khó khăn, cơ hội và thách thức trong bảo tồn, phát triển các lĩnh vực của ngành VHTTDL.
Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ của 119 tác phẩm do Hội đồng Sơ khảo đề xuất vào vòng Chung khảo, Hội đồng Chung khảo đã tiến hành khẩn trương, công tâm, khách quan, bám sát Thể lệ, Quy chế chấm Giải và chọn được 94 tác phẩm xuất sắc nhất để trao thưởng.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã trao 5 giải Nhất cho các tác giả, nhóm tác giả: Báo in -Loạt 5 bài “Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về” của nhóm tác giả báo An ninh Thủ đô; Báo điện tử - Loạt 3 kỳ “Gặp gỡ thế giới ngay ở Việt Nam” của nhóm tác giả báo Nhân dân; Phát thanh – Loạt 5 kỳ “Nghệ thuật truyền thống: Bảo tồn và sinh tồn” của nhóm tác giả Ban Văn học – Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam; Truyền hình – Tọa đàm “Hai năm chấn hung và phát triển văn hóa” của nhóm tác giả Đài Truyền hình Việt Nam; Ảnh báo chí – tác phẩm “Vang mãi bản hùng ca Điện Biên Phủ” của nhóm tác giả báo Quân đội nhân dân.
Ban tổ chức cũng đã trao 15 giải Nhì, 24 giải Ba, 50 giải Khuyến khích cho các tác giả, nhóm tác giả và trao 3 giải tập thể đồng hạng cho các cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự giải, đạt kết quả cao.
Về loạt bài đạt giải Ba của tác giả Nguyễn Thị Hoa, phóng viên Báo Công an Nhân dân:
Công nghiệp văn hóa được xác định là khu vực có nhiều tiềm năng để góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững của nước ta. Cùng với chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, công nghiệp văn hóa đang được đẩy mạnh phát triển. Tìm hiểu việc triển khai trong thực tế, phóng viên đã đến tìm hiểu tại nhiều địa phương, đồng thời trao đổi, phỏng vấn người trực tiếp tham gia vào hoạt động này. Sau gần 1 tháng, loạt bài “Khơi thông nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa” đã hoàn thiện. Loạt bài này tập trung khai thác về phát triển công nghiệp văn hóa trong giai đoạn hiện nay, bao gồm 3 kỳ: Khai mở các “mỏ vàng” cho công nghiệp văn hóa ở địa phương; Để công nghiệp văn hóa phát triển tương xứng với tiềm năng; Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho các ngành công nghiệp văn hóa.