Trao giải cuộc thi viết 'Chân dung cuộc sống'
Sáng 25/8, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết 'Chân dung cuộc sống'.
Cuộc thi viết “Chân dung cuộc sống” bắt đầu nhận bài từ ngày 1/7/2021 và kết thúc ngày 30/6/2023. Cuộc thi đã nhận được 286 tác phẩm của 173 tác giả trong cả nước. Trong số các tác giả, có những nhà văn rất quen thuộc với bạn đọc và có những tác giả mới cầm bút viết tác phẩm lần đầu. Có những người đã ở tuổi 80, 90, có người đang là sinh viên, học sinh.
Phát biểu tại buổi lễ, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống, Trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, Ban tổ chức đã nhận được già nửa số bài viết về chân dung văn nghệ sĩ, số còn lại là bài viết về các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp. “Cuộc thi là bức tranh khá rộng lớn, phong phú, sinh động về đời sống xã hội, cả quá khứ và hiện tại. Hơn nữa, sự đa dạng của bạn văn, bạn viết tham dự cuộc thi cho thấy sự quan tâm sâu sát, không thờ ơ với cuộc sống của lực lượng cầm bút trong cả nước”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhấn mạnh.
Cũng theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, thành công của cuộc thi “Chân dung cuộc sống” là bút pháp khắc họa nhân vật của các tác giả dự thi, từ nhà văn đến các cây bút không chuyên, tỏ ra có nghề và khá linh hoạt. Qua đây, còn cho thấy, ký chân dung là thể loại được khá nhiều cây bút và bạn đọc yêu thích, nên Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống có thêm lý do giữ chuyên mục này, tiếp tục đăng tải các tác phẩm thuộc thể loại ký chân dung.
Ghi nhận, đánh giá cao về ý nghĩa của cuộc thi, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, đây chính là một trong những hoạt động nằm trong chủ trương “đẩy” nhà văn vào tận cùng, vào trung tâm của cuộc sống. “Mảng chân dung văn học vô cùng thú vị. Trong lịch sử văn học Việt Nam đã có những tác giả viết bút ký về chân dung các văn nghệ sĩ rất thành công nhưng dường như hiện nay đang dần bị lãng quên. Chính vì thế cuộc thi đã “đánh thức” thể loại này trong đời sống văn học hôm nay”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Nhìn vào những nhân vật trong các bài dự thi, người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn trong những cuộc thi tới, các tác giả hãy hướng ngòi bút đến những con người bình dị, lặng lẽ trong cuộc sống. “Có thể với nhiều người họ là vô danh, nhỏ bé nhưng dưới ngòi bút tài tình của mình, các tác giả sẽ làm cho họ đẹp hơn, “lớn” hơn, để chúng ta thêm trân trọng, biết ơn họ”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều lưu ý.
Ban tổ chức cuộc thi đã trao giải Nhất cho tác giả Y Nguyên với các tác phẩm: “Ngô Phan Lưu “ẩn số văn chương” đất Phú”, “Phù thủy” của bục giảng”, “Nguyễn Văn Thọ, nhà văn và người lính”; 2 giải Nhì cho tác giả Võ Bá Cường với các tác phẩm: “Cánh chim sơn tiêu”, “Sọ đầu mới vỡ lẽ đời”, “Thanh Tùng với “Thời hoa đỏ” và tác giả Hoàng Quảng Uyên với các tác phẩm “Con đường sáng mang tên Tẩn Dấu Quẩy”, “Nhà thơ Hữu Thỉnh “đời mau quả, vui buồn chưa kịp cũ”, “Y Phương “Đục đá xây cao quê hương”. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng trao 3 giải Ba, 4 giải Tư cho các tác giả khác.