Trao kỷ vật, giữ ký ức
Bảo tàng tỉnh Gia Lai là nơi trưng bày các tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý có liên quan đến nhiều lĩnh vực. Đây cũng là địa chỉ thân thuộc của nhiều người đến hiến tặng hiện vật lịch sử với mong muốn những kỷ vật được gìn giữ đến muôn đời.
Chúng tôi đến thăm ông Lương Tưởng (SN 1933) tại căn nhà số 58 Võ Thị Sáu (TP. Pleiku) vào buổi chiều ngày đầu năm. Dù tuổi cao, đôi chân đã yếu không thể tự đứng vững, tai cũng không còn nghe rõ, song ông Tưởng vẫn còn minh mẫn. Ông mở cánh tủ ngay đầu giường lấy ra những cuốn sổ sưu tầm đồng tiền Việt Nam cũng như tiền của các nước mà mình gìn giữ lâu nay.
Năm 1952, ông Tưởng nhập ngũ và tham gia nhiều trận đánh ở khắp chiến trường Tây Nguyên, từ Chiến dịch Thu Đông năm 1952, Chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, tham gia đánh tan Binh đoàn cơ động 100 của Pháp làm nên chiến thắng Đak Pơ năm 1954… Năm 1961, sau khi tốt nghiệp Trường Đào tạo sĩ quan pháo binh, ông Tưởng được cử sang Liên Xô theo học tại Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp. Năm 1969, ông về lại chiến trường Tây Nguyên, công tác tại Trung đoàn tăng thiết giáp 273…
Trên suốt chặng đường ấy, có nhiều kỷ vật mà ông luôn gìn giữ và mang theo. Trong đó có chiếc xe đạp Thống Nhất mà ông mua với giá 300 đồng. Chiếc xe đã cùng ông đi khắp mọi nẻo đường từ Bắc chí Nam. Mới đây, ông đã tặng lại chiếc xe cho Bảo tàng tỉnh cùng 1 tờ công trái Chính phủ phát hành năm 1984.
Ông Tưởng tâm sự: “Tôi cũng mới tìm được 1 chiếc ruột ăng gô, 1 cái ca Mỹ bị mất quai và 1 con dao găm do đồng đội rèn tặng đã theo tôi suốt những năm dài chiến đấu ở các chiến trường. Tôi cũng muốn tặng lại cho Bảo tàng tỉnh để các bạn gìn giữ giúp, sau này con cháu mình được biết đến”.
Sinh sống ở TP. Huế nhưng bà Nguyễn Thị Huyền Tâm (75 tuổi) thỉnh thoảng vẫn vào Gia Lai thăm con cháu. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Trung, từng công tác tại Ban Kinh tài tỉnh đóng tại căn cứ cách mạng Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang).
Bà Tâm bày tỏ: “Trong một lần được con đưa đến tham quan Bảo tàng tỉnh, tôi thấy ở đây trưng bày rất nhiều hiện vật lịch sử, đặc biệt liên quan đến căn cứ cách mạng Khu 10. Chợt nhớ, chồng tôi cũng có những kỷ vật mà ông vẫn luôn đem theo bên mình trong suốt những năm tháng tham gia kháng chiến, tôi liền sắp xếp và đem đến tặng lại cho Bảo tàng. Tôi sợ những vật dụng ấy để lâu sẽ bị hỏng, mất đi. Nếu gửi ở Bảo tàng thì chúng sẽ được cất giữ, bảo quản và trưng bày, nhiều người được biết đến hơn”.
Những kỷ vật của người chồng đã khuất như: chiếc bi đông, ca nước, ăng gô, bức tượng Lênin, bức tượng Bác Hồ được bà Tâm trao lại cho Bảo tàng tỉnh. Dù ở Huế cũng có bảo tàng, song bà Tâm vẫn chọn đưa kỷ vật của chồng gửi gắm ở Gia Lai, bởi đây là nơi ông đã tham gia chiến đấu trong nhiều năm liền. Bà cũng không quên kể thêm những câu chuyện gắn liền với những kỷ vật để lý lịch hiện vật thêm sắc nét, rõ ràng.
Chị Nguyễn Thị An-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ (Bảo tàng tỉnh) cùng các đồng nghiệp của mình nhớ mãi dáng hình và phong cách của ông Huỳnh Được (SN 1930, trú tại 113 Nguyễn Thái Bình, TP. Pleiku). Khi ấy, ông tận tay trao tặng khẩu súng K54 số hiệu 1901727266, chiếc la bàn, kính lúp, bi đông, ăng gô, dây võng và đôi dép cao su. Những hiện vật ấy do Ban Dân vận Trung ương cấp vào năm 1969, chúng luôn đồng hành cùng ông trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình lập lại, các vật dụng được ông gìn giữ cẩn thận.
Chị An cho hay: “Mặc dù trải qua thời gian sử dụng khá lâu, lại trong điều kiện chiến tranh nhưng những hiện vật mà ông Được tặng cho Bảo tàng đều còn rất mới. Điều đó chứng tỏ chúng được chủ nhân rất trân trọng, nâng niu và giữ gìn kỹ lưỡng”.
Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh-cho biết: “Những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã nhận được sự quan tâm đóng góp tài liệu, hiện vật của cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các đồng chí từng giữ các chức vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước và các gia đình có công với nước… Chúng tôi rất trân quý tấm lòng của mọi người dành cho Bảo tàng. Những kỷ vật lịch sử được chúng tôi tiếp nhận, xây dựng lý lịch, nhập kho cơ sở, sau đó tùy vào từng chủ đề để sắp xếp trưng bày, giới thiệu đến du khách. Sự đóng góp của người dân rất quý giá để giúp cho hiện vật của bảo tàng thêm phong phú, đa dạng, phục vụ tốt nhất nhu cầu tham quan cũng như góp phần làm sáng rõ lịch sử tỉnh nhà”.
Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12382/202101/trao-ky-vat-giu-ky-uc-5718212/