Trào lưu 'bố mẹ gà' vào tầm ngắm của giới chức Trung Quốc
Phong cách nuôi dạy con của các bậc 'bố mẹ gà' ở Trung Quốc với sự ám ảnh về thành tích của con cái có thể ngăn cản sự phát triển toàn diện của các em.
“Mẹ hổ” (tiger mom) vốn là kiểu phụ huynh phổ biến ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ, gắn liền với hình ảnh bậc phụ huynh nghiêm khắc, khó tính và đặt nhiều kỳ vọng vào con cái.
Tuy nhiên, phong cách “mẹ hổ” dường như đang lùi vào dĩ vãng. Những năm gần đây, ở Trung Quốc nổi lên một cách tiếp cận mới trong việc nuôi dạy con, được biết đến với tên gọi “bố mẹ gà” (jiwa).
Những bậc “bố mẹ gà” có phong cách nuôi dạy con chu đáo và tận tâm. Họ soạn thời gian biểu cho con cái chi tiết đến từng phút. Họ lùng sục các diễn đàn trực tuyến để tìm cho con những gia sư và huấn luyện viên thể thao giỏi nhất. Một số người thậm chí còn mua thêm một ngôi nhà cạnh những trường công lập nổi tiếng nhất.
Thuật ngữ “bố mẹ gà” xuất phát từ một phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng trong y học Trung Quốc vào thập niên 1950. Cụ thể, nhiều người tin rằng việc tiêm tiết gà tươi cho người có thể giúp kích thích năng lượng.
Văn hóa “bố mẹ gà” được cho là đang nằm trong tầm ngắm của các nhà chức trách Trung Quốc. Vào thời điểm Bắc Kinh muốn các gia đình sinh nhiều con hơn để bổ sung nguồn lực lao động trong tương lai, giới chức Trung Quốc lo ngại cách nuôi dạy con cái đầy áp lực và cạnh tranh của các “bố mẹ gà” có thể ngăn cản chính sách ba con mới của nước này.
Lịch trình dày đặc
Niềm tin vào sức mạnh của giáo dục và khát khao con cái trở nên xuất sắc đã thúc đẩy nhiều gia đình Trung Quốc chi trung bình từ 25-50% thu nhập của họ cho các hoạt động giáo dục bổ túc, theo NPR.
Vào tháng 7, lãnh đạo Trung Quốc đã ban hành các quy định chặt chẽ về việc giới hạn số lượng lớp học thêm mà phụ huynh có thể đăng ký cho con. Toàn bộ doanh nghiệp giáo dục phải đăng ký hoạt động với tư cách là tổ chức phi lợi nhuận. Giới chức Trung Quốc cũng ngưng cấp giấy phép mới cho các cơ sở dạy thêm đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Tuy nhiên, những quy định nói trên dường như chỉ khiến một số bậc “bố mẹ gà” quyết tâm hơn trong việc tối đa hóa cơ hội thành công của con cái họ.
“Những chính sách này khiến các bậc phụ huynh sẵn sàng cắt giảm chi tiêu để đầu tư cho con cái họ bước chân vào tầng lớp tinh hoa”, Rainy Li, mẹ của hai bé gái, ngụ tại Bắc Kinh, nhận định.
Mỗi sáng, bà Li bắt đầu ngày mới bằng cách chuẩn bị cho con gái lớn 11 tuổi đi học vào lúc 6h. Bà đón con tan học vào lúc 15h, theo sau đó là một buổi tập khiêu vũ, một lớp học toán trực tuyến và một buổi học bơi.
Thỉnh thoảng, mẹ con bà Li ăn uống ngay trong xe khi di chuyển giữa các lớp học. Đến 23h, bà có thể thư giãn và gặp chồng.
Tuy nhiên, không phải “bố mẹ gà” nào cũng giống nhau. Bà Li cho rằng bản thân vẫn tương đối thoải mái, ít khắt khe hơn nhiều so với các bậc phụ huynh ở quận Thuận Nghĩa, nằm ở đông bắc Bắc Kinh.
Phụ huynh ở Thuận Nghĩa nổi tiếng vì sẵn sàng chi tiền cho các hoạt động ngoại khóa tốn kém của con cái như quần vợt, thuê huấn luyện viên Olympic toán, múa ballet và luyện thi cường độ cao. Các lớp học phụ đạo có thể kéo dài đến 22-23h mỗi ngày.
Trong khi đó, các bậc “bố mẹ gà” ở quận Hải Điến của Bắc Kinh nổi tiếng là cuồng các bài kiểm tra.
“Tôi đã gặp một số ‘bố mẹ gà’ ở Hải Điến trước đây. Họ rất tuyệt vọng”, bà Li nói. “Họ dường như không thèm quan tâm xem con cái thích gì”.
Áp lực đối với trẻ mầm non
Cuộc chạy đua đối với con cái của các “bố mẹ gà” bắt đầu ngay từ khi học mẫu giáo. Nhiều phụ huynh ở Bắc Kinh đăng ký cho con tham gia các lớp học toán và ngoại ngữ ở bậc tiểu học với chi phí từ 80-150 USD/giờ. Một số giáo viên dạy thể thao hoặc khiêu vũ có mức học phí tối thiểu là 3.000 USD/tháng.
Ngay cả những phụ huynh quyết tâm không đi theo cách tiếp cận “bố mẹ gà” cũng bị cuốn theo sự kỳ vọng bắt kịp xã hội, theo NPR.
Isabella Liang, mẹ của một bé gái 9 tuổi ở Thượng Hải, chia sẻ: “Khi mới sinh con, tôi không có kế hoạch gì”. Nhưng khi thấy các bậc cha mẹ khác khoe về hoạt động ngoại khóa của con họ trên mạng xã hội, cô Liang cảm thấy áp lực phải cho con gái mình tham gia các hoạt động tương tự.
“Tôi lo rằng nếu con tôi sẽ không theo kịp bạn bè nếu không đi học thêm”, cô Liang nói.
“Tôi có thể cảm nhận sự lo lắng, căng thẳng, sợ hãi và kiệt sức toát ra từ cụm từ ‘bố mẹ gà’”, nhà tâm lý học Lixin Ren của Đại học Hoa Đông nói. Theo bà, các “bố mẹ gà” cảm thấy “nếu họ không tiến lên thì chắc chắn sẽ tụt hậu”.
Nhà tâm lý học Xuan Li thuộc Đại học New York tại Thượng Hải nhận định: “Tất nhiên không ai muốn con mình rơi vào vực thẳm của sự nghèo đói hay nghịch cảnh suốt đời. Nhưng ít nhất các bậc phụ huynh cũng cần để con mình được dung dưỡng và phát triển tốt”.