Trào lưu 'Flex' là gì mà khiến giới trẻ ai cũng muốn thể hiện?
Có thành tích cao, vẻ ngoài ưa nhìn, học trường xịn, được chụp ảnh với nhiều người nổi tiếng... đều được giới trẻ mang ra 'Flex' trên mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok... Vậy trào lưu Flex là gì mà giới trẻ hiện nay ai cũng muốn thể hiện.
"Flex" có nghĩa là gì?
Theo dịch nghĩa từ "Flex" ra tiếng Việt có nghĩa là Uốn cong (cái gì đó). Nhưng theo nghĩa lóng trong tiếng Anh thì "Flex" mang nghĩa khoe khoang quá mức, gây khó chịu. Cụm từ này đã được sử dụng từ lâu nhưng mục đích chủ yếu để châm biếm, mỉa mai những người có thói quen thích khoe khoang tài sản, thành tích... quá độ khiến người khác cảm thấy khó chịu.
Tuy nhiên, dạo gần đây giới trẻ đã khuấy động lại trào lưu "Flex" nhưng với hướng tích cực, có nhiều sự mới mẻ. Nhiều bài viết được đăng tải trên MXH với nội dung Flex những thành tích học tập, dùng đồ hiệu, học trường xịn hay chụp hình với người nổi tiếng. Ví dụ cụ thể là bài viết khoe khoang trong nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" đang có số lượng người tham gia tăng chóng mặt, hiện gần đạt 1 triệu người.
Tham gia trào lưu này chủ yếu là các bạn học sinh, du học sinh viên các trường đại học trong nước và quốc tế, hay các ca sĩ, diễn viên nổi tiếng...
Theo tìm hiểu, trào lưu sử dụng từ "Flex" được bắt đầu cũng từ việc các rapper sử dụng từ này trong bài hát của họ. Cụ thể, rapper 16 Typh đã khiến từ "Flex" nổi lên sau khi đưa nó vào ca khúc Don’t Waste My Time để tham dự cuộc thi Rap Việt mùa 1.
Những ngày gần đây khi từ "Flex" tiếp tục xuất hiện ở Rap Việt mùa 3, khán giả thế hệ Gen Z lập tức xôn xao và biến nó thành trào lưu Flexing. Điều thú vị là nếu nguyên gốc nghĩa của từ Flex là sự khoe khoang quá đà gây khó chịu thì trào lưu Flexing xuất hiện những ngày gần đây lại mang ý nghĩa hài hước, vui vẻ nhiều hơn.
Trong showbiz Việt, có không ít ngôi sao tham gia vào nhóm "Flex đến hơi thở cuối cùng" trên Facebook như ca sĩ Hoàng Dũng. Anh "khoe khoang" đêm nhạc của mình:
"Ở đây chưa có ai flex concert đúng không ạ? Flex nhẹ với các bạn 4 đêm concert cá nhân mà mình tổ chức trong hai năm vừa qua (2021-2022). Trong đó, có 2 đêm 3.000, 1 đêm 4.000 và 1 đêm 6.000 khán giả. Vì group mình flex đến hơi thở cuối nên mình flex luôn là trong 2 năm đấy mình lần lượt đạt top 6 và top 5 nghệ sĩ Việt Nam có lượt stream nhiều nhất Spotify".
Ngay sau đó, bài đăng này đã thu hút hơn 100.000 nghìn lượt like, 7.600 nghìn lượt bình luận.
Bạn Lê Quốc Khanh (sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM) cho biết, theo tìm hiểu của bản thân thì trào lưu "Flex" bắt đầu phổ biến qua bài nhạc rap “No Flex Zone'' vào năm 2014. Từ định nghĩa về "Flex" trong tiếng lóng là khoe khoang quá mức thì cụm "no flex zone" có ý chỉ một nơi mà bạn được là chính mình, không cần cạnh tranh, thể hiện với người khác làm gì.
Hay bạn Lê Thoại Anh (29 tuổi), một dancer (vũ công) đang làm việc tại thành phố Jonesboro, bang Arkansas, Mỹ, cho rằng "Flex" khá thú vị. So với những trào lưu khoe khoang khác, "Flex" thể hiện rõ sự hài hước của cộng đồng mạng, nhất là qua cách mọi người khoe.
Với sự sáng tạo của giới trẻ, "Flex" có thêm nhiều biến tấu, không hẳn mang lại cảm giác "ra vẻ", so bì hơn thua với người khác mà chủ yếu để giải trí bằng những màn khoe đầy duyên dáng, mang lại sự tích cực, vui vẻ. Trào lưu "Flex" sẽ khích lệ và tạo động lực cho nhiều bạn trẻ phấn đấu. Tuy nhiên, nếu Flex quá đà cũng có thể để lại những áp lực vô hình cho các bạn học sinh, sinh viên đang trong giai đoạn đầu phấn đấu, học tập.
Nên cẩn trọng với trào lưu "Flex"
Theo Thạc sĩ Đặng Hoàng An, nguyên giảng viên Khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TP HCM, bên cạnh mặt tích cực, trào lưu "Flex" cũng sẽ có mặt tác động ngược lại. Nếu “cái đầu không đủ lạnh”, các bạn trẻ có thể sa lầy vào việc khoe khoang mất kiểm soát.
Thạc sĩ Hoàng An còn nêu một ví dụ như có người khoang về độ giàu có, tiền tỉ trong tay nhưng lại chia sẻ luôn tài khoản ngân hàng và thông tin cá nhân, điều này mang lại những hiểm họa tiềm tàng, có thể bị người khác lợi dụng đánh cắp dữ liệu, bản thân chịu hệ lụy từ việc "Flex" mà ra.
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Đặng Hoàng An còn cho rằng khi mỗi cá nhân không kiểm soát được bản thân, việc khoe khoang sẽ khiến con người ta tự cao tự đại hơn, dễ “ngủ quên trong chiến thắng” và trở thành người kiêu ngạo. Chưa kể, khi "Flex" sẽ có những thành phần bất hảo vào phán xét bằng những ngôn từ không hay, từ đó gây tranh cãi, thị phi không đáng có.
Đặc biệt với những bạn trẻ tiếp nhận thông tin, nội dung về "Flex" có thể tự ám thị về những thành tựu từ người khác để rồi áp lực hoặc tủi hổ, tự ti về bản thân, quên mất mình cũng có những điểm tốt và đáng trân trọng.
Do đó, Thạc sĩ Hoàng An nhắn nhủ các bạn trẻ rằng, khi tiếp cận "Flex" thì phải thật sáng suốt và tỉnh táo, tránh chạy theo trend một cách thiếu kiểm soát. Nên "Flex" về hành trình bạn nỗ lực, phấn đấu đạt được điều gì đó để truyền cảm hứng, động lực cho người khác. "Flex" mang tính tích cực, nhân văn là điều thiết nghĩ nên có. Ngược lại, cần kiểm soát, có thể che những thông tin cá nhân quan trọng trước khi đăng tải lên mạng xã hội.
N.T (t/h)